Ngày 13-01-2017, tại hội nghị sơ kết thực hiện Kế hoạch số 01/KH-BCĐ389 ngày 26-1-2016 của Ban chỉ đạo 389 Quốc gia về kiểm tra hoạt động sản xuất kinh doanh phân bón tổ chức tại TP.HCM, đại diện các cơ quan quản lý nhà nước cho biết, việc quản lý sản xuất, kinh doanh mặt hàng phân bón đang gặp rất nhiều khó khăn và vướng mắc.
Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn phát biểu tại hội nghị. Ảnh internet
Nhiều vi phạm
Theo Ban chỉ đạo 389 TP.HCM, thực hiện Kế hoạch 01/KH-BCĐ389 về kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh mặt hàng phân bón, từ tháng 3 đến tháng 11-2016, tại TP.HCM riêng lực lượng công an đã kiểm tra 16 vụ, khởi tố 3 vụ với 17 bị can, 13 vụ xử phạt hành chính, phạt trên 340 triệu đồng, tịch thu 1.140 bao nguyên liệu phân bón, 360 chai phân bón, 315 bịch phân bón; Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã tiến hành kiểm tra 22 DN sản xuất kinh doanh; Chi cục quản lí thị trường thành phố kiểm tra 103 trường hợp, đã xử phạt vi phạm hành chính trên 2,4 tỉ đồng, tịch thu 1.700 kg phân bón vô cơ, buộc tái chế trên 52.000 kg phân bón vô cơ các loại, 196 thùng phân bón lá, 5.000kg phân bón hữu cơ; buộc tiêu hủy 12.250 kg phân bón vô cơ, phân bón không nhãn mác...
UBND 24 quận huyện đã tiến hành kiểm tra 274 cơ sở, trong đó có 56 cơ sở sản xuất, 92 cơ sở kinh doanh, 72 cơ sở và văn phòng, địa điểm giao dịch, 34 cơ sở ngưng hoạt động, 10 cơ sở đã di dời ra tỉnh khác, 10 cơ sở sản xuất ngoài địa bàn. Trong số 56 cơ sở sản xuất phân bón , có 20 cơ sở chưa có giấy phép sản xuất... Các hành vi vi phạm chủ yếu là sản xuất gia công phân bón không có giấy phép, hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, kinh doanh hàng nhập lậu, sản xuất phân bón không công bố hợp quy, chất lượng phân bón không phù hợp với tiêu chuẩn công bố... đã xử phạt vi phạm hành chính trên 2,1 tỉ đồng tịch thu trên 40.000 kg phân bón, tiêu hủy 3.346 kg phân bón vô cơ và phân bón lá buộc tái chế trên 17.000 kg phân bón và trên 14.000 đơn vị sản phẩm phân bón các loại.
Riêng tại huyện Bình Chánh, ông Nguyễn Văn Hồng, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh cho biết, qua kiểm tra 44 cơ sở sản xuất kinh doanh phân bón trong 25 cơ sở sản xuất có 15 trường hợp có giấy phép và 10 trường hợp sản xuất không có giấy phép. Đối với 15 trường hợp sản xuất có giấy phép có 8 trường hợp vi phạm về hợp quy, quy trình vận hành sản xuất... Đối với 10 trường hợp sản xuất không có giấy phép đã đình chỉ 9 cơ sở. Qua kiểm tra, UBND huyện Bình Chánh cũng xử lí vi phạm hành chính trên 1 tỉ đồng, tịch thu 1.700 kg phân bón vô cơ, buộc tái chế trên 52.000 kg phân bón vô cơ các loại, 196 thùng phân bón lá, 5.000 kg phân bón hữu cơ, buộc tiêu hủy 12.250 kg phân bón vô cơ.
Khó khăn, bất cập
Theo ông Phan Anh Minh, Phó giám đốc Công an TP.HCM, qua việc kiểm tra xử lí về an ninh, trật tự đối với việc sản xuất và kinh doanh phân bón trong thời gian qua của lực lượng Công an thành phố cho thấy dù là cơ sở sản xuất, kinh doanh có giấy phép hay không cũng đều có khả năng phát sinh rất nhiều vi phạm, trong khi đó thẩm quyền xác lập biên bản kiểm tra và xử lí vi phạm của các lực lượng chức năng thường không hết vi phạm hoặc sai thẩm quyền dễ dẫn đến phát sinh khiếu nại.
Theo ông Minh, các vi phạm chủ yếu đối với mặt hàng phân bón thường về môi trường bao bì chứa hóa chất, chất thải nguy hại, bụi, tiếng ồn; vi phạm hóa chất, hóa chất nguy hiểm hoặc tiền chất thuốc nổ, vi phạm nhãn hiệu, chất lượng hàng hóa.
Trong khi đó về thẩm quyền xử lý, theo các quy định hiện hành về vi phạm môi trường công an quận huyện không có thẩm quyền xử lí về an toàn hóa chất thì lực lượng quản lí thị trường không có thẩm quyền xác lập vi phạm. Đây là những quy định rất bất cập mà mới đây mới được sửa đổi, bổ sung. Bên cạnh đó, việc khởi tố làm hàng giả đối với mặt hàng phân bón cũng có nhiều vướng mắc do Bộ Luật Hình sự mới chưa có hiệu lực trong theo Bộ Luật Hình sự cũ thì hành vi làm hàng giả chỉ được cấu thành khi đối tượng sản xuất với số lượng lớn trong khi đó hầu hết phân bón giả sản xuất ra tới đâu đều được tiêu thụ tới đó nên khi lực lượng kiểm tra thì không có lượng thành phẩm có số lượng tương đương với giá trị hàng thật trị giá 30 triệu đồng, thậm chí trên thị trường không có đơn giá hàng thật để so sánh.
Ngoài ra, đối với các mặt hàng giả đã được tiêu thụ ra ngoài thị trường ngay cả đối với các vụ đã bị khởi tố và xử lí, người tiêu thụ cũng không chịu thừa nhận và hợp tác trong việc cung cấp thông tin khiến gây khó khăn cho cơ quan chức năng khi xác minh, xử lí. Vì những bất cập nêu trên nên hầu hết các vụ vi phạm thường chỉ xử phạt về chất lượng hàng hóa chứ chưa đủ chứng cứ để quy kết là hàng giả . “Thực tế cho thấy đối với mặt hàng phân bón còn có sự lỏng lẻo trong quản lý và xử lý vi phạm bên cạnh đó quy phạm pháp luật còn chồng chéo và không hoàn chỉnh. Nên giao cho một bộ quản lý thay vì nhiều Bộ cùng quản lý như hiện nay” - ông Minh cho biết.
Phát biểu tại hội nghị, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn cho rằng, để doanh nghiệp sản xuất phân bón không phép trong thời gian dài là trách nhiệm của các cơ quan quản lí. Đối với các cơ sở sản xuất trái phép nếu đủ điều kiện cấu thành hành vi vi phạm phải xem xét xử lí triệt để. Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Cẩn đề nghị, các Bộ phải xây dựng kế hoạch rà soát các bất cập về quy định pháp luật, phải đôn đốc các bộ, ngành, địa phương báo cáo từng nội dung cụ thể từ rà soát kế hoạch, kiểm tra đến kết quả cụ thể, nếu cần thiết có thể tổ chức hội nghị chuyên đề và triển khai các kế hoạch tiếp theo. Đối với các vướng mắc đang gây khó khăn trong công tác quản lí, kiểm tra và xử lí vi phạm của các lực lượng chức năng trên địa bàn TP.HCM cũng cần có báo cáo cụ thể với lãnh đạo thành phố. Bộ Công Thương là đơn vị chịu trách nhiệm chính về quản lí sản xuất, kinh doanh phân bón phải nâng cao vai trò của mình hơn nữa...
Nhận định về tình hình quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh và dịch vụ xuất nhập khẩu phân bón trên địa bàn TP.HCM, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến thừa nhận công tác chỉ đạo điều hành của thành phố còn chưa tốt, việc kiểm soát địa bàn, công tác phối hợp trong quản lí và xử lý vi phạm còn chưa chặt chẽ.
Để khắc phục những hạn chế này, ông Tuyến đề nghị các quận huyện trong thời gian tới phải dựa vào đặc thù của mỗi địa bàn đưa ra các kế hoạch thực hiện cụ thể, trong trường hợp để xảy ra sai phạm thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước lãnh đạo thành phố. Đối với công tác phối hợp, ông Tuyến cũng yêu cầu các bộ phận liên quan đến cuối tháng 2 phải tổ chức hội nghị chuyên đề giải quyết các vướng mắc về công tác phối hợp trong quản lý quy hoạch, xử lý hoạt động kinh doanh phân bón nhằm khắc phục triệt để vấn đề này, bên cạnh đó đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục nâng cao ý thức của các doanh nghiệp và các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn.
>>Từ ngày 01-01-2017 bỏ một số khâu thủ tục đối với hàng hóa XNK qua cảng Cát Lái
Nguồn internet