Áp thuế chống phá giá cho một số mặt hàng phân bón từ ngày 19/8/2017

Sau hơn 4 tháng điều tra, Bộ Công thương đã có Quyết định 3044/QĐ-BCT ngày 04/8/2017 về việc áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời đối với các sản phẩm phân bón DAP, MAP nhập khẩu.

Theo đó, mức thuế tự vệ tạm thời là 1.855.790 đồng/tấn được áp dụng từ ngày quyết định có hiệu lực 19/8 tới.

Một số mặt hàng phân bón chịu thuế tự vệ từ ngày 19/8/2017. Ảnh minh họa

Trước đó, vào ngày 12/5/2017, Bộ Công thương đã ban hành Quyết định số 1682A/QĐ-BCT về việc điều tra áp dụng biện pháp tự vệ đối với một số sản phẩm phân bón nhập khẩu vào Việt Nam.

Hai đơn vị yêu cầu là Công ty cổ phần DAP – Vinachem và Công ty cổ phần DAP số 2 - Vinachem.

Trên cơ sở Kết luận điều tra sơ bộ của vụ việc, ngày 4/ 8/2017, Bộ Công thương  đã ban hành Quyết định số 3044/QĐ-BCT về việc áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời đối với sản phẩm phân bón DAP và MAP có mã HS: 3105.10.20; 3105.10.90; 3105.20.00; 3105.30.00; 3105.40.00; 3105.51.00; 3105.59.00; 3105.90.00.

Bộ Công thương cho hay, biện pháp tự vệ tạm thời được áp dụng trong khoảng thời gian không quá 200 ngày kể từ ngày có hiệu lực. Biện pháp này sẽ chấm dứt hiệu lực sau ngày ngày 6/3/2018 hoặc Bộ Công thương ban hành quyết định áp dụng biện pháp tự vệ chính thức.

Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, năm 2016 Việt Nam nhập khẩu 4,15 triệu tấn phân bón, tương ứng 1,1 tỷ USD.  6 tháng đầu năm 2017, nhập khẩu phân bón các loại  đạt 2,34 triệu tấn, trị giá 628 triệu USD, tăng 23,7% về khối lượng và tăng 17,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016.

Nguồn phân bón nhập khẩu chủ yếu trong 6 tháng đầu năm 2017 đến từ Trung Quốc.

Phân bón nhập khẩu không ngừng gia tăng vào thị trường nội địa đã gây khó khăn cho sản xuất trong nước. Năm 2016, sản lượng sản xuất của ngành giảm gần 47% so với năm 2015, trong khi lượng nhập khẩu chỉ giảm 11,6% từ 1,2 triệu tấn năm 2015 xuống khoảng gần 1,1 triệu tấn năm 2016.

Như vậy trong năm 2016 mức gia tăng tương đối giữa hàng hóa nhập khẩu và hàng hóa sản xuất trong nước là 35,4%.

Điều này là do tình trạng tồn kho tăng cao của các nhà máy sản xuất DAP và MAP của Trung Quốc cùng với tình trạng hạn hán, ngập mặn ở khu vực Nam Bộ, dẫn đến nông dân cắt giảm nhu cầu trồng trọt và sử dụng phân bón. Trước tình trạng đó, lượng hàng hóa sản xuất trong nước giảm sâu tới 4 lần so với lượng suy giảm của hàng hóa nhập khẩu.

Trong năm 2016, giá bán của hàng hóa nhập khẩu giảm 17% mặc dù chi phí nhập khẩu tăng 30% điều này gây áp lực cạnh tranh buộc hàng hóa sản xuất trong nước phải giảm giá theo (mức giảm khoảng 21%) mặc dù giá thành sản phẩm tăng 15,83%.

Tải toàn bộ Quyết định 3044/QĐ-BCT tại đây

Nguồn internet

< Trở lại