Cảnh giác với gian lận CO

Việc cắt giảm thuế quan theo các Hiệp định thương mại tự do FTA đã ký kết tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp trong nước cũng như quốc tế trong việc trao đổi, giao thương hàng hóa, tuy nhiên việc cắt giảm thuế quan cũng dẫn đến xu thế gian lận nhiều hơn về C/O để được hưởng ưu đãi.

Mẫu C/O form AK. Ảnh minh họa

Tiềm ẩn nguy cơ gian lận C/O

Theo đánh giá của Tổng cục Hải quan, bên cạnh việc tạo điều kiện thuận lợi cho các DN trong nước cũng như quốc tế trao đổi hàng hóa, giao thương buôn bán với nhau, một số DN trong nước cũng như trên thế giới làm ăn không chân chính đã tận dụng những kẽ hở của luật để tìm cách gian lận nhằm trục lợi.

Tại cuộc họp bàn với đại diện Bộ Công Thương, Bộ Tài chính liên quan đến việc xác định thời điểm nộp C/O để được hưởng ưu đãi, ông Âu Anh Tuấn- Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan cho biết, hiện nay để được hưởng thuế suất ưu đãi đặc biệt, đã có không ít trường hợp gian lận, lừa đảo thương mại qua Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hoá (C/O), với diễn biến ngày càng tinh vi và phức tạp.

Cơ quan Hải quan trong quá trình giải quyết các thủ tục để cho DN thông quan hàng hóa, Hải quan Việt Nam cũng như quốc tế đã phát hiện, nghi ngờ có gian lận thương mại và có dấu hiện gian lận chứng từ để được giải phóng hàng. Chính vì vậy, Hải quan các nước đã gửi thư đề nghị Hải quan Việt Nam xác minh và ngược lại Hải quan Việt Nam cũng có thư đề nghị nước bạn hỗ trợ xác minh.

Trong 5 năm từ 2011 đến 2015, Tổng cục Hải quan đã nhận được 78 thư đề nghị xác minh từ Hải quan các nước và Đại sứ quán của các nước tại Việt Nam. Các thư yêu cầu của bạn tập trung vào xác minh tính chính xác và hợp lệ của giấy chứng nhận xuất xứ (C/O), nguồn gốc xuất xứ của các lô hàng, xác minh bộ chứng từ hải quan đặc biệt là hóa đơn thương mại do nghi ngờ gian lận về trị giá, xuất xứ… Về cơ bản, Hải quan Việt Nam đã có thư thông báo và trả lời hầu hết các yêu cầu xác minh cũng như cung cấp số liệu thống kê theo đề nghị của bạn.

Cũng trong khoảng thời gian này, Hải quan Việt Nam cũng đã đề nghị Hải quan các nước xác minh 1961 C/O (các nước đề nghị hỗ trợ xác minh là các nước trong khu vực ASEAN, Trung Quốc). Thư đề nghị hỗ trợ xác minh của Việt Nam tập trung vào chữ ký hợp lệ của người có thẩm quyền cấp C/O mẫu D và mẫu E, nghi ngờ về con dấu hợp lệ trên C/O… Các DN trong nước đã móc nối với DN nước XK làm giả chứng từ hoặc khai tăng hàm lượng ASEAN nhằm được hưởng ưu đãi thuế quan theo chương trình thuế quan ưu đãi hiệu lực chung (CEPT) và Hiệp định giữa các nước ASEAN và một số đối tác như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản.

Qua công tác hỗ trợ song phương, nhiều thông tin tình báo đã góp phần làm nên thành công của các chuyên án và kế hoạch đấu tranh của Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan). Một số chuyên án nổi bật như: chuyên án xăng dầu, gỗ, rượu, xe Việt kiều, xe ngoại giao, hoàn thuế GTGT…

Tuy nhiên, trên thực tế, hoạt động trao đổi, thông tin xác minh vẫn có những khó khăn. Việc thực hiện cắt giảm thuế quan theo các Hiêp định FTA đã ký kết trong thời gian qua dẫn đến xu thế gian lận nhiều hơn về C/O để được hưởng ưu đãi thuế suất kéo theo số lượng C/O cần xác minh ngày càng tăng trong khi phản hồi yêu cầu xác minh của phía nước ngoài cho Hải quan Việt Nam còn chậm, nhiều yêu cầu thậm chí không được phản hồi dẫn đến khó khăn và chậm trễ trong việc giải quyết thủ tục cho các lô hàng và DN NK.

Theo Tổng cục Hải quan, trong 1961 C/O Hải quan Việt Nam đề nghị xác minh (trong giai đoạn từ 2011 đến 2015) thì nhận được thư trả lời chính thức của 1119 C/O. Bên cạnh đó, khi nhận được kết quả xác minh từ Hải quan Việt Nam, phía bạn ít khi phản hồi lại việc sử dụng kết quả xác minh đó để ta lưu hồ sơ theo dõi DN.

Tăng cường phối hợp quản lý C/O ưu đãi

Hiện nay, yêu cầu thực hiện các cam kết quốc tế đa phương và song phương dần đi vào thực chất; triển khai một loạt các Hiệp định tự do thương mại quan trọng trong khuôn khổ WTO, TPP, các FTA với Hàn Quốc, EU… đang là cơ hội và thách thức về năng lực quản lý của hải quan các nước nói chung và Hải quan Việt Nam nói riêng.

Trước thực tế đó, song song với việc tăng cường phối hợp với Hải quan các nước nhằm tăng cường khả năng kiểm soát đối với các hành vi gian lận thương mại, trốn thuế, Tổng cục Hải quan đang đề xuất phương án quản lý và kiểm tra C/O các lô hàng áp dụng mức thuế suất ưu đãi đặc biệt.

Các phương án Tổng cục Hải quan đưa ra nhằm tránh gian lận thương mại qua xuất xứ làm giảm nguồn thu cho NSNN; đồng thời phù hợp với các cam kết quốc tế mà Việt Nam đang tham gia.

Theo đó, để được xem xét hưởng mức thuế suất ưu đãi đặc biệt trong khuôn khổ các FTA mà Việt Nam tham gia, DN phải nộp C/O cho cơ quan Hải quan tại thời điểm đăng ký tờ khai NK.

Đối với các trường hợp DN không có C/O tại thời điểm đăng ký tờ khai hải quan, DN có thể nộp bổ sung C/O trong thời gian 30 ngày kể từ ngày đăng ký tờ khai.

Trong một số trường hợp ngoại lệ, do nguyên nhân bất khả kháng hoặc do những nguyên nhân chính đáng khác nằm ngoài tầm kiểm soát của người NK, Tổng cục Hải quan đề xuất phương án xử lý đối với từng tình huống.

Trường hợp tại thời điểm NK, thuế suất thuế NK ưu đãi (MFN) là 0%, DN không có nhu cầu áp dụng thuế suất ưu đãi đặc biệt; hoặc thuế suất MFN thấp hơn so với thuế suất ưu đãi đặc biệt thì áp dụng mức thuế suất MFN. Sau khi hàng hóa đã thông quan, cơ quan Hải quan kiểm tra sau thông quan xác định lại mã HS, theo mã HS mới thì thuế suất MFN cao hơn so với thuế suất ưu đãi đặc biệt, DN xin nộp bổ sung C/O thì cơ quan Hải quan chấp nhận C/O bổ sung để cho hưởng ưu đãi.

Trường hợp tại thời điểm NK, hàng hóa thuộc danh mục miễn thuế, DN không có nhu cầu áp dụng thuế suất ưu đãi đặc biệt. Sau khi hàng hóa đã thông quan, cơ quan Hải quan kiểm tra sau thông quan xác định hàng hóa không thuộc đối tượng miễn thuế, DN xin nộp bổ sung C/O thì cơ quan Hải quan chấp nhận C/O bổ sung để cho hưởng ưu đãi.

Hoặc là theo quy định về thủ tục cấp giấy chứng nhận xuất xư hàng hóa C/O của nước XK về việc cấp C/O sau khi hàng hóa đã XK.

Đối với C/O mẫu VK, thực hiện đúng theo quy định tại phụ lục 4, Thông tư 40/2015/TT-BCT về việc người NK có thể đề nghị cho hưởng thuế quan ưu đãi và xin hoàn bất kỳ khoản thuế dư nào phải tra khi hàng hóa chưa được hưởng ưu đãi nếu xuất trình C/O trong vòng một năm sau ngày hàng NK.

Hiện tại phương án Tổng cục Hải quan đưa ra đang được lấy ý kiến của các Bộ Công Thương, Tài chính. Tổng cục Hải quan cũng dự kiến sẽ đề xuất sửa đổi nội dung này trong Thông tư 38/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính.

Nguồn báo Hải quan

< Trở lại