Cơ quan Hải quan được quyết định kiểm tra giảm về an toàn thực phẩm

Giảm 95 thủ tục hành chính

Theo Cục Hải quan TP.HCM, tại Điều 16 Nghị định 15/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định phương thức kiểm tra giảm áp dụng tối đa 5% trên tổng số lô hàng nhập khẩu trong vòng 1 năm do cơ quan hải quan lựa chọn ngẫu nhiên và thực hiện kiểm tra hồ sơ. 



Hiện nay vẫn chưa có hướng dẫn thực hiện Điều này và hiện Hải quan địa phương không thể thực hiện được vì: Không thể xác định được số lượng 5% tổng số lô hàng áp dụng phương thức kiểm tra giảm; Chưa có hướng dẫn xem xét chấp nhận 3 Thông báo kết quả xác nhận thực phẩm đạt yêu cầu nhập khẩu liên tiếp theo phương thức kiểm tra thông thường Tại khoản 1 Điều 17 (ví dụ như quy định cụ thể một số giấy tờ phải nộp, là bản chính hay bản sao có chứng thực hay bản photo có xác nhận của DN); Chưa có hướng dẫn trường hợp nào được áp dụng phương thức kiểm tra giảm. Đồng thời, chưa có hướng dẫn trong trường hợp công nhận lẫn nhau trong hoạt động kiểm tra an toàn thực phẩm theo Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Giải đáp vướng mắc về cơ quan thẩm quyền quyết định về hình thức kiểm tra giảm, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, phương thức áp dụng kiểm tra giảm có 2 cơ quan có thẩm quyền quyết định gồm: Cơ quan kiểm tra nhà nước và cơ quan Hải quan. 

Khi DN nộp 3 bộ sơ nhập khẩu của 3 lô hàng (cùng 1 mặt hàng, cùng nhà máy, cùng xuất xứ) liên tiếp không phát hiện vi phạm  thì cơ quan Hải quan có quyền quyết định chuyển sang luồng Xanh. “Như vậy, quyền của cơ quan Hải quan rất lớn trong việc quyết định về việc kiểm tra giảm đối với hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành” - ông Long khẳng định.  

Giải đáp vướng mắc về kiểm tra nhà nước về thực phẩm nhập khẩu, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long giải thích, theo Nghị định 15 mặc dù vẫn áp dụng 3 hình thức kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm, nhưng có sự thay đổi lớn. 

Đó là, đối với kiểm tra giảm thay vì kiểm tra hồ sơ như trước đây, thì kiểm tra tỷ lệ 5% trên tổng lô hàng của các DN về một mặt hàng trong cùng một năm; Kiểm tra thông thường, chỉ kiểm tra hồ sơ; Kiểm tra chặt đối với những lô hàng có cảnh báo của cơ quan chức năng, hoặc các lô hàng trước đó DN đã vi phạm, nhưng thời gian quy định tối đa là 7 ngày (tỷ lệ này chỉ chiếm 0,28%). 

Với quy định kiểm tra này sẽ giảm tối đa 95% các thủ tục hành chính từ các quy định về kiểm tra chuyên ngành.

Hơn 90 DN sẽ tự công bố chất lượng


Về quy định các sản phẩm đã được cấp Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm: được miễn kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm nhập khẩu quy định tại khoản 1 Điều 13 Nghị định 15/2018/NĐ-CP nhưng không quy định rõ khi làm thủ tục hải quan, doanh nghiệp phải nộp/xuất trình cho cơ quan hải quan bản sao/bản chính “Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm”. Nếu không có quy định rõ điều này thì khi thực hiện sẽ không thống nhất và sẽ gặp phản ứng của doanh nghiệp. Mặt khác, hiện cơ quan Hải quan chưa có cơ sở dữ liệu về những sản phẩm đã được cấp Giấy Tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm.

Giải đáp vướng mắc trên, đại diện Bộ Y tế cho rằng, Nghị định 15 chỉ căn cứ vào Luật ATTP, điểm mới quy định tại nghị định này là DN tự công bố sản phẩm và chịu trách nhiệm về sản phẩm tự công bố. Như vậy, Giấy DN tự công bố và Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm có giá trị như nhau. Điểm khác, là Giấy tiếp nhận không có thời hạn trừ khi DN thay đổi những thành phần cấu tạo, tên sản phẩm... để tự công bố lại. 

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng cho rằng, một trong những nội dung đột phá được quy định tại Nghị định 15 là trao quyền nhiều hơn cho DN sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Nếu như quy định cũ yêu cầu DN phải xin xác nhận từ cơ quan Nhà nước thì nay các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm được tự công bố sản phẩm trên phương tiện thông tin đại chúng, trang thông tin điện tử hoặc niêm yết công khai tại trụ sở của mình và nộp một bản qua đường bưu điện hoặc trực tiếp đến cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền. 

Tuy nhiên, với quyền tự công bố chất lượng sản phẩm, DN phải chịu trách nhiệm rất lớn đối với chất lượng sản phẩm do DN mình sản xuất và công bố. Ngay sau khi tự công bố sản phẩm, doanh nghiệp được quyền sản xuất, kinh doanh sản phẩm, đồng thời chịu trách nhiệm hoàn toàn về thông tin đã công bố và mức độ an toàn của sản phẩm đó.

Lê Thu

 

< Trở lại