Để doanh nghiệp nắm bắt sâu hơn các quy định cũng như văn bản hướng dẫn về công tác phân tích phân loại, xác định trước mã số hàng hóa, Tổng cục Hải quan đã chủ động trả lời một số vướng mắc của doanh nghiệp về vấn đề này.
Hoạt động phân tích, phân loại hàng hóa xuất nhập khẩu tại Cục Kiểm định Hải quan. Ảnh internet
Công ty TNHH NAGASE Việt Nam cho rằng, nên có thêm văn bản hướng dẫn cụ thể và thống nhất về hàng gửi kho ngoại quan, xuất nhập kho ngoại quan hoặc bán hàng từ kho ngoại quan, trong đó các văn bản hướng dẫn và phân loại HS cần cụ thể hơn.
Về vấn đề doanh nghiệp nêu, Tổng cục Hải quan cho biết, các quy định về phân loại hàng hóa được quy định cụ thể tại Điều 26 Luật Hải quan 2014; Điều 16 Nghị định 08/2015/NĐ-CP của Chính phủ; Điều 6 Thông tư 14/2015/TT-BTC ngày 30/1/2015 của Bộ Tài chính.
Như vậy, các quy định về phân loại hàng hóa đã được quy định rõ và cụ thể. Danh mục hàng hóa XNK Việt Nam đã quy định cụ thể mã hàng, mô tả hàng hóa cho từng mã hàng. Trường hợp có yêu cầu phân loại mặt hàng cụ thể thì trên cơ sở hồ sơ đề nghị/hàng hóa thực tế và các căn cứ để phân loại, Tổng cục Hải quan sẽ ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể cho hàng hóa đó.
Liên quan đến hàng gửi kho ngoại quan cũng đã được quy định Điều 61 Luật Hải quan, Điều 83, 84, 85, 86, 87, 88 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP và Điều 91 Thông tư số 38/2015/TT-BTC.
Một số doanh nghiệp có hoạt động XNK cho biết, các kết quả phân tích phân loại được gửi cho các đơn vị hải quan địa phương yêu cầu phân tích phân loại, tuy nhiên, người khai hải quan cũng cần có bản kết quả này để biết, sử dụng kết quả phân tích phân loại cho các lô hàng sau, để đối chiếu kết quả phân tích với các đơn vị phân tích độc lập khác như Quatest, FCC… DN thắc mắc, tại sao kết quả phân tích, phân loại cho lô hàng của DN nhưng DN không được nhận kết quả phân tích phân loại?
Về vấn đề DN thắc mắc, theo Tổng cục Hải quan, việc yêu cầu phân tích phân loại là do cơ quan Hải quan gửi đến Cục Kiểm định Hải quan, do vậy kết quả phân tích do Cục Kiểm định Hải quan ban hành chỉ được lưu hành trong ngành Hải quan. Khi có kết quả phân loại cuối cùng thì cơ quan Hải quan sẽ thông báo trả lời cho đơn vị yêu cầu và cho cả DN NK và công bố trên website hải quan. DN có thể tra cứu thông tin, kết quả trên website Hải quan.
Nhiều doanh nghiệp hỏi quy trình thực hiện Danh mục hàng hóa XNK ban hành kèm theo Thông tư số 65/2017/TT-BTC của Bộ Tài chính.
Theo Tổng cục Hải quan, ngày 27/6/2017 Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ký Thông tư số 65/2017/TT-BTC ban hành Danh mục hàng hóa XNK Việt Nam, có hiệu lực thực hiện từ ngày 1/1/2018. Theo đó, Danh mục hàng hóa XNK Việt Nam bao gồm 21 Phần, 97 Chương, 1.039 nhóm ở cấp độ 4 số, 1.859 phân nhóm ở cấp độ 6 số và được chi tiết thành 10.813 mã hàng ở cấp độ 8 số, tuân thủ hoàn toàn theo Danh mục HS 2017 của Tổ chức Hải quan Thế giới và Danh mục Hài hòa thuế quan của ASEAN phiên bản 2017. Danh mục mới tăng 1.255 mã hàng so với Danh mục hàng hóa XNK Việt Nam ban hành theo Thông tư số 103/2015/TT-BTC ngày 1/7/2015, trong đó 2.321 mã hàng có mô tả mới để chi tiết những thay đổi về công nghệ, kỹ thuật, đặc tính thương mại, tiêu chuẩn môi trường, đáp ứng nhu cầu quản lý và xu hướng thương mại quốc tế trong bối cảnh hội nhập.
Trong quá trình xây dựng Danh mục hàng hóa XNK Việt Nam, Bộ Tài chính đã tổ chức các đợt làm việc tập trung, các hội thảo chuyên đề với các bộ, ngành có liên quan, hiệp hội, tập đoàn, doanh nghiệp để rà soát và thống nhất ý kiến về các nội dung chi tiết tại Danh mục hàng hóa XNK Việt Nam. Đồng thời, Bộ Tài chính đã gửi lấy ý kiến UBND các tỉnh, thành phố, đăng tải trên các website của Chính phủ và Bộ Tài chính để lấy ý kiến rộng rãi của cộng đồng DN.
Bên cạnh đó, danh mục được xây dựng theo nguyên tắc tuân thủ cam kết quốc tế, áp dụng các thuật ngữ chuyên ngành trong mô tả hàng hóa, đưa các trích dẫn nguồn tra cứu cuối chương như Tiêu chuẩn Việt Nam, Quy chuẩn Việt Nam để giải thích rõ về mặt hàng, Chú giải bổ sung SEN giải thích mặt hàng ở cấp độ 8 số để phục vụ công tác phân loại hàng hóa. Những thay đổi so với Danh mục đã ban hành theo Thông tư số 103/2015/TT-BTC tập trung vào một số nhóm ngành gồm ô tô, thủy sản, gỗ, hóa chất, sản phẩm ốp/lát bằng gốm sứ, máy móc thiết bị, là những ngành hàng có sự phát triển về công nghệ, kỹ thuật hoặc dịch chuyển thương mại, cần tăng cường quản lý về môi trường, hóa chất độc hại… Nội dung thay đổi nổi bật là ngành ô tô được chi tiết thêm các mã hàng của ô tô điện, xe điện, các loại xe có động cơ kết hợp (xe hybrid) xăng - điện, dầu - điện. Ngành hàng thuốc trừ côn trùng, diệt nấm, diệt cỏ được chi tiết mô tả của các mặt hàng có chứa chất chống sốt rét. Ngành thủy sản chi tiết tên gọi của một số loại cá có kim ngạch thương mại cao hoặc bổ sung tên khoa học của các loài cá, phụ phẩm cá để thuận lợi cho công tác quản lý.
Do đó, để việc thực hiện Thông tư số 65/2017/TT-BTC đi vào thực tế có hiệu quả, đảm bảo tính thống nhất, ngoài việc đưa thông tin lên các phương tiện thông tin truyền thông, website…, cơ quan Hải quan đã tổ chức 5 chương trình tập huấn dành cho cán bộ Hải quan, các bộ ngành, hiệp hội, tập đoàn, DN trên cả nước cũng như phối hợp với VCCI tập huấn cho các DN theo khu vực. Trong thời gian tới Bộ Tài chính sẽ tiếp tục tập huấn, giới thiệu về thông tư cho các đơn vị theo khu vực, lĩnh vực ngành hàng… cũng như tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan triển khai rà soát trên 200 Danh mục quản lý chuyên ngành phù hợp theo Danh mục mới, đồng thời phối hợp với các đơn vị liên quan khẩn trương tiến hành chuyển đổi, xây dựng các Biểu thuế XNK ưu đãi (MFN) và các Biểu thuế FTA theo Danh mục mới, đảm bảo các cam kết song phương, đa phương.
Tổng cục Hải quan đề nghị các DN nghiên cứu Thông tư 65/2017/TT-BTC nêu trên và chú ý các dòng hàng có chi tiết mới, thay đổi phạm vi để nắm bắt khai báo đúng mã số.
Doanh nghiệp đề nghị có hướng giải quyết cho phép DN được đưa hàng vào phục vụ sản xuất trong trường hợp chậm có kết quả phân tích phân loại.
Liên quan đến vấn đề DN đề nghị, Tổng cục Hải quan cho biết, căn cứ Khoản 1 Điều 36 Luật Hải quan 2014 quy định:
“Điều 36. Giải phóng hàng hóa
1. Giải phóng hàng hóa là việc cơ quan Hải quan cho phép XNK hàng hóa khi đáp ứng đủ điều kiện sau đây:
a) Hàng hóa đủ điều kiện để được xuất nhập khẩu nhưng chưa xác định được số thuế chính thức phải nộp;
b) Người khai hải quan đã nộp thuế hoặc được tổ chức tín dụng bảo lãnh số thuế trên cơ sở tự kê khai, tính thuế của người khai hải quan”.
Cũng tại Khoản 2 Điều 33 Thông tư 38/2015/TT-BTC ngày của Bộ Tài chính quy định:
“2. Đối với trường hợp giải phóng hàng chờ kết quả giám định, phân loại hàng hóa:
a) Trách nhiệm của người khai hải quan
a.1) Khai thông tin đề nghị giải phóng hàng trên Tờ khai hải quan theo hướng dẫn khai báo tại phụ lục II kèm Thông tư này; Trường hợp khai hải quan trên tờ khai hải quan giấy thì ghi “Đề nghị giải phóng hàng” tại ô “Ghi chép khác” trên tờ khai hải quan;
a.2) Thực hiện nộp thuế hoặc bảo lãnh đối với số tiền thuế tự kê khai, tự tính thuế;
a.3) Thực hiện khai bổ sung theo quy định tại Điều 20 Thông tư này.
b) Trách nhiệm của cơ quan Hải quan:
b.1) Cơ quan Hải quan kiểm tra các điều kiện giải phóng hàng và phản hồi cho người khai hải quan;
b.2) Căn cứ kết quả giám định, phân loại, chi cục hải quan nơi đăng ký tờ khai thông báo cho người khai hải quan để khai bổ sung (nếu có);
b.3) Trường hợp phải khai bổ sung mà người khai hải quan không thực hiện việc khai bổ sung thì cơ quan Hải quan xử lý theo quy định tại Điểm b.7 Khoản 3 Điều 20 Thông tư này;
b.4) Chi cục trưởng Chi cục Hải quan căn cứ đề nghị của người khai hải quan, hồ sơ hải quan để quyết định việc giải phóng hàng”.
Tổng cục Hải quan đề nghị doanh nghiệp thực hiện nội dung quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 33 Thông tư 38/2015/TT-BTC để được xem xét việc giải phóng lô hàng. Trường hợp, chi cục hải quan nơi làm thủ tục hải quan chấp thuận cho giải phóng lô hàng (cho phép NK), doanh nghiệp được phép buôn bán, sử dụng hàng hóa và thực hiện đúng cam kết về việc hàng hoá không thuộc diện cấm NK và phải thực hiện về thuế theo xác định của chi cục hải quan dựa trên kết quả phân tích.
Nguồn internet