Hải quan đang xử lý vướng mắc của doanh nghiệp điều theo QĐ 15/2017

Hiện những vướng mắc của doanh nghiệp và hải quan địa phương liên quan đến việc thực hiện Quyết định 15/2017/QĐ-TTg ngày 12/5/2017 (hiệu lực 01/7/2017) của Thủ tướng Chính phủ đang được Tổng cục Hải quan tiếp nhận và xử lý.

Chế biến hạt điều xuất khẩu. Ảnh internet

Riêng đối với phản ánh vướng mắc của doanh nghiệp về địa điểm khai báo thủ tục hải quan đối với hàng hóa thuộc danh mục dùng làm nguyên liệu gia công, sản xuất xuất khẩu, một cán bộ Cục Giám sát quản lý về hải quan (Tổng cục Hải quan) cho biết: Tại Điều 2, Quyết định 15/2017/QĐ-TTg ngày 12/5/2017 đã quy định rõ: “Hàng hóa nhập khẩu thuộc Danh mục kèm theo Quyết định này được làm thủ tục hải quan tại cửa khẩu nhập hoặc tại các địa điểm làm thủ tục hải quan ngoài cửa khẩu nhập trong các trường hợp sau:…2. Nguyên liệu, vật tư, thiết bị, máy móc, linh kiện, phụ tùng để phục vụ gia công, sản xuất được làm thủ tục hải quan tại cơ quan Hải quan nơi có nhà máy, cơ sở sản xuất…”.

Quy định như vậy, nghĩa là doanh nghiệp được lựa chọn địa điểm làm thủ tục hải quan tại cửa khẩu nhập hoặc tại cơ quan Hải quan nơi có nhà máy, cơ sở sản xuất. Với những đơn vị hải quan địa phương thực hiện chưa đúng Quyết định 15/2017/QĐ-TTg, Tổng cục Hải quan sẽ có văn bản chấn chỉnh và hướng dẫn thực hiện.

Trước đó, ngày 25/7/2017, Hiệp hội Điều Việt Nam (VINACAS) đã có văn bản 115/2017/CV-HHĐ gửi các Bộ: Tài chính, Công Thương, NN&PTNT, đồng kính gửi Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) và Chi cục Hải quan các tỉnh/thành phố, đề nghị cho phép doanh nghiệp ngành điều được linh hoạt lựa chọn khai báo hải quan tại Chi cục Hải quan TP.HCM hoặc Chi cục Hải quan của tỉnh/thành phố nơi doanh nghiệp đặt cơ sở sản xuất tùy theo điều kiện thực tế của mỗi doanh nghiệp.

Văn bản của VINACAS nêu rõ: Theo thông tin từ doanh nghiệp hội viên của VINACAS, từ cuối tháng 7 đến nay, hàng trăm container điều thô nhập khẩu và điều nhân xuất khẩu về tới cảng TP. HCM buộc phải lưu công, lưu bãi chờ thông quan.

Đó là bởi vướng mắc các quy định mới về khai báo hải quan, căn cứ công văn số 4828/TCHG-GSQLngày 27/6/2017 và công văn số 4824/TCHQ-GSQL ngày 20/7/2017 của Tổng cục Hải quan về việc thực hiện quyết định số 15/2017/QĐ-TTg ngày 12/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ.

Cụ thể, thay vì trước đây doanh nghiệp được phép khai báo thủ tục hải quan và kiểm dịch thực vật tại cửa khẩu nơi hàng đến (một cửa) thông qua Chi cục Hải quan tại TP.HCM với thời gian và thủ tục thông quan nhanh chóng thì nay doanh nghiệp bắt buộc phải khai báo hải quan tại Chi cục Hải quan của tỉnh/thành phố nơi các doanh nghiệp đặt cơ sở sản xuất (Bình Phước, Đồng Nai...)

Theo VINACAS, quy định mới này đã phát sinh thêm một cửa thứ hai vì việc kiểm dịch thực vật vẫn bắt buộc thực hiện tại TP.HCM. Tuy nhiên, Cơ quan Kiểm dịch Thực vật vùng II không thể lấy mẫu kiểm dịch ngay khi hàng mới về tới cảng TP.HCM mà phải đợi hàng hóa đã được kiểm tra xong bởi Chi cục Hải quan của tỉnh/thành phố nơi doanh nghiệp đặt cơ sở sản xuất thì mới lấy tiến hành mẫu kiểm dịch.

“Như vậy, một lô hàng sẽ phải được vận chuyển từ Thành phốHCM đi cách tỉnh/thành phố có liên quan (để thông quan) và có thể từ các tỉnh/thành phố kéo về TP.HCM (để kiểm dịch), sau đó quay ngược lại các tỉnh/thành phố (để nhập kho và đưa vào sản xuất), gây lãng phí thời gian và chi phí liên quan cho doanh nghiệp và xã hội (như gia tăng chi phí lưu công, bãi; gia tăng thời gian vận chuyển hàng hóa từ cảng về kho của DN; trì hoãn thời gian xếp dỡ và tiến độ sản xuất, giao hàng cho khách…)”, ông Đặng Hoàng Giang, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VINACAS nhấn mạnh. Xem dịch vụ vận chuyển nội địa

Căn cứ điều kiện thực tế của ngành điều với lượng hàng hóa dịch vụ xuất nhập khẩu lớn và vòng quay trong sản xuất, chế biến nhanh, VINACAS đề nghị các cơ quan liên quan cho phép doanh nghiệp ngành điều được linh hoạt lựa chọn khai báo hải quan tại Chi cục Hải quan TP.HCM hoặc Chi cục Hải quan của tỉnh/thành phố nơi doanh nghiệp đặt cơ sở sản xuất tùy theo điều kiện thực tế của mỗi doanh nghiệp.

>>Hiệp hội điều kêu cứu về tình trạng “kẹt” hàng hóa tại cảng

Nguồn internet

< Trở lại