Trường hợp doanh nghiệp tái nhập hàng hóa đã xuất khẩu để tái chế thì không phải nộp thuế trong thời hạn tái chế nếu doanh nghiệp đã đăng ký thời hạn tái chế với cơ quan Hải quan nhưng không quá 275 ngày kể từ ngày tái nhập.
Hoạt động nghiệp vụ tại Chi cục Hải quan Thái Nguyên, Cục Hải quan Bắc Ninh. Ảnh internet.
Đó là hướng dẫn của Tổng cục Hải quan với cục hải quan các tỉnh, thành phố trong việc quản lý thuế đối với hàng hóa tạm nhập về để tái chế.
Theo phân tích của Tổng cục Hải quan, căn cứ quy định tại điểm c khoản 9 Điều 16 Luật Thuế XK, thuế NK, khoản 2 Điều 13 Nghị định 134/2016/NĐ-CP ngày 01/9/2016 và khoản 5 Điều 47 Nghị định 08/2015/NĐ-CP ngày 21/1/2015 thì:
“Hàng hóa tạm nhập, tái xuất hoặc tạm xuất, tái nhập để bảo hành, sửa chữa, thay thế quy định tại điểm c khoản 9 Điều 16 Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu phải đảm bảo không làm thay đổi hình dáng, công dụng và đặc tính cơ bản của hàng hóa tạm nhập, tạm xuất và không tạo ra hàng hóa khác.
Trường hợp thay thế hàng hóa theo điều kiện bảo hành của hợp đồng mua bán thì hàng hóa thay thế phải đảm bảo về hình dáng, công dụng và đặc tính cơ bản của hàng hóa được thay thế”… được miễn thuế trong thời hạn nhất định.
Cụ thể, trường hợp doanh nghiệp tái nhập hàng hóa đã xuất khẩu để tái chế thì không phải nộp thuế trong thời hạn tái chế nếu doanh nghiệp đã đăng ký thời hạn tái chế với cơ quan Hải quan khi khai báo thủ tục hải quan nhưng không quá 275 ngày kể từ ngày tái nhập. quá thời hạn tái chế đã đăng ký mà DN chưa tái xuất thì thực hiện theo quy định của pháp luật về thuế.
Tổng cục Hải quan cũng hướng dẫn các đơn vị về việc tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với hàng hóa kinh doanh tạm nhập - tái xuất tính từ ngày 1/9/2016. Theo đó, hàng kinh doanh tạm nhập - tái xuất thuộc đối tượng không chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, tuy nhiên, hết thời hạn tạm nhập - tái xuất mà chưa tái xuất thì phải nộp thuế tiêu thụ đặc biệt và khi tái xuất sẽ được hoàn lại khoản tiền thuế này theo quy định tại Điều 6 Nghị định 108/2015/NĐ-CP ngày 28/10/2015.
Nguồn internet