Với sự lộn xộn trên thị trường “hàng xách tay” như thực trạng hiện nay, đặt ra yêu cầu đối với các cơ quan chức năng cần có biện pháp quản lý, kiểm soát. Bên cạnh đó cũng đòi hỏi chính từ người tiêu dùng cần “khắt khe” hơn khi lựa chọn sản phẩm, đồng thời thể hiện trách nhiệm của mình với nhà nước và xã hội bằng việc từ chối những sản phẩm trốn thuế, vi phạm pháp luật.
Hải quan cửa khẩu sâu bay quốc tế Nội Bài kiểm tra, giám sát hành lý của người NC. Ảnh internet
“Hàng xách tay” chủ yếu vận chuyển theo đường hàng không theo hành lý của của hành khách, phi hành đoàn. Để kiểm soát việc lợi dụng xách hàng qua đường này, mới đây, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 52/2017/TT-BTC ngày 19/5/2017 sửa đổi Thông tư 120/2015/TT-BTC ngày 14/8/2015 quy định về mẫu, chế độ in, phát hành, quản lý và sử dụng tờ khai hải quan dùng cho người xuất cảnh, nhập cảnh, Thông tư 52 có hiệu lực thi hành từ 10/7/2017.
Theo thông tư mới này, trường hợp người NC, XC có hàng hóa, hành lý thuộc quản lý, kiểm tra chuyên ngành thì công chức Hải quan căn cứ văn bản cho phép xuất khẩu, nhập khẩu của cơ quan quản lý chuyên ngành hoặc kết quả kiểm tra của cơ quan kiểm tra chuyên ngành đối chiếu với hàng hóa của người XC, NC. Đồng thời, công chức Hải quan ghi số, ngày tháng năm, tên của văn bản cho phép hoặc văn bản ghi kết quả kiểm tra, tên cơ quan cấp, xác nhận, ký tên đóng dấu công chức tại mục “Xác nhận của Hải quan”. Trường hợp kiểm tra, đối chiếu thông tin của hàng hóa, hành lý không phù hợp với văn bản cho phép hoặc văn bản ghi kết quả kiểm tra và trường hợp người xuất cảnh, nhập cảnh không xuất trình văn bản cho phép hoặc văn bản ghi kết quả kiểm tra thì cơ quan Hải quan yêu cầu người xuất cảnh, nhập cảnh gửi hàng hóa, hành lý đó vào kho của Hải quan cửa khẩu và xử lý theo quy định hiện hành.
Thông tư 52/2017/TT-BTC còn quy định, người xuất nhập cảnh phải khai báo thủ tục hải quan nếu mang các loại hàng hóa phải nộp thuế sau: Rượu từ 20 độ trở lên vượt trên 1,5 lít hoặc rượu dưới 20 độ vượt trên 2 lít hoặc đồ uống có cồn, bia vượt trên 3 lít; thuốc lá điếu vượt trên 200 điếu hoặc xì gà vượt trên 20 điếu hoặc thuốc lá sợi vượt trên 250 gam; các vật phẩm khác có tổng trị giá trên 10 triệu đồng Việt Nam.
Đối với đội ngũ người điều khiển tàu bay và nhân viên phục vụ chuyến bay quốc tế (gọi tắt là phi hành đoàn), Tổng cục Hải quan vừa yêu cầu cục hải quan 11 địa phương có sân bay quốc tế tăng cường áp dụng quản lý rủi ro đối với hành lý của phi hành đoàn. Theo đó, các đơn vị tổ chức thu thập, xử lý thông tin, phân tích lựa chọn đối tượng trọng điểm; kiểm tra, giám sát việc áp dụng chế độ tiêu chuẩn định mức miễn thuế đối với thành viên phi hành đoàn để phòng ngừa, phát hiện hành vi tình trạng lợi dụng nhằm trốn thuế. Bên cạnh đó, các đơn vị thực hiện thu thập, khai thác thông tin trước (trên API, hồ sơ NC của tàu bay, thông tin của các phi hành đoàn đã hưởng định mức miễn thuế 1 lần trong vòng 90 ngày).
Để kiểm soát chặt chẽ “hàng xách tay” theo đường hành lý, một số cán bộ Hải quan phụ trách công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại cho rằng, cơ quan Hải quan tại cửa khẩu cần tuyên truyền để hành khách xuất nhập cảnh hiểu, thực hiện nghiêm các quy định của Nhà nước, trong đó tập trung vào đối tượng xuất nhập cảnh nhiều lần về quy định định mức miễn thuế đối với hàng hóa mang theo hành lý. Đó là, hành khách xuất nhập cảnh cung cấp các chứng từ mua bán hàng hóa, khai báo đầy đủ khi cơ quan chức năng yêu cầu để làm căn cứ xác định trị giá tính thuế, cũng như yêu cầu thực hiện kiểm tra chuyển ngành theo quy định, góp phần đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng, chống thất thu cho ngân sách Nhà nước. Đối với trường hợp tiếp viên tổ lái, cơ quan Hải quan cần phối hợp với chặt chẽ các hãng hàng không, quán triệt, phổ biến thực hiện nghiêm túc theo quy định, đồng thời kiên quyết xử lý nếu có sai phạm.
Ông Nguyễn Công San, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường TP. Hà Nội cho rằng: Hàng hóa mang theo hành lý đã được miễn thuế, nhưng nếu sau đó được bán lại cho các cửa hàng thì phải nộp thuế vào ngân sách. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có trường hợp nào nộp thuế vào ngân sách Nhà nước. Hiện lực lượng Quản lý thị trường TP. Hà Nội vẫn chưa phát hiện bất cứ trường hợp vi phạm nào trong kinh doanh “hàng xách tay”. Để kiểm soát hoạt động này, đơn vị xác định thu thập thông tin, tổ chức lực lượng ra quân kiểm soát các mặt hàng có trọng tâm, trọng điểm, đánh mạnh vào các tụ điểm sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng đội lốt “hàng xách tay”. Song song với giáo dục, phòng ngừa, đơn vị tiếp tục xử lý nghiêm các hộ kinh doanh tái phạm trong kinh doanh hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng đảm bảo môi trường kinh doanh lành mạnh tạo điều kiện cho các doanh nghiệp làm ăn chân chính, bảo về quyền lợi hợp pháp cho người tiêu dùng.
Với những gì đang diễn ra trên thị trường “hàng xách tay” hiện nay cho thấy còn những kẽ hở trong các quy định của pháp luật, phần nào còn buông lỏng trong công tác quản lý. Do đó, các cơ quan hữu quan cần nâng cao trách nhiệm để lập lại trật tự trên thị trường “hàng xách tay”, mang lại sự công bằng cho các chủ thể kinh doanh, mang lại nguồn thu thuế cho ngân sách nhà nước, nhất là bảo vệ người tiêu dùng trước các sản phẩm gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái.
>>Chia sẻ thông tin tờ khai hải quan điện tử
>>Dịch vụ vận chuyển nội địa
Nguồn internet