Bà Minh Phương, CEO của MP Logistics, người từng được báo Mỹ ca ngợi là "nữ hoàng logistics" của Việt Nam, chia sẻ với chúng tôi về ảnh hưởng của vụ Hanjin Shipping Global (Hàn Quốc) phá sản.
Theo bà Phương, việc Hanjin tuyên bố phá sản thì chắc chắn có ảnh hưởng đến logistics, không nhiều thì ít. Các doanh nghiệp Hàn Quốc ảnh hưởng nhiều nhất. Mùa này là mùa cao điểm, mùa xuân, các doanh nghiệp chuẩn bị hàng hóa để bán trong các dịp lễ lớn như Giáng Sinh, Tết dương lịch, Tết âm lịch..., đặc biệt là các nước châu Âu trước thềm Tết dương lịch.
"Các thị trường Đông Nam Á xuất khẩu đi châu Âu, Mỹ có sử dụng dịch vụ của Hanjin sẽ bị tác động, bởi Hanjin là công ty logistics lớn thứ 7 thế giới nên rất nhiều doanh nghiệp sử dụng dịch vụ của họ", bà Phương nói.
Theo nữ CEO, logistics của Việt Nam thường theo hình thức FOB. FOB là một thuật ngữ viết tắt trong tiếng Anh của cụm từ Free On Board, nghĩa là Miễn trách nhiệm Trên Boong tàu nơi đi còn gọi là "Giao lên tàu". Nó là một thuật ngữ trong thương mại quốc tế. Việc chuyển giao diễn ra khi hàng hóa vượt qua lan can tàu tại cảng xếp hàng. Về mặt quốc tế, thuật ngữ này chỉ rõ cảng xếp hàng, ví dụ "FOB New York" hay "FOB Hải Phòng". Các khoản chi phí khác như cước vận tải, phí bảo hiểm thuộc về trách nhiệm của bên mua hàng.
Vì vậy những người mua hàng từ Việt Nam sử dụng dịch vụ của Hanjin chịu ảnh hưởng rất lớn. Vì từ trước tới giờ, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ không thanh toán cước mà bên mua sẽ thanh toán .
Do đó, các doanh nghiệp nước ngoài mua hàng tại Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng. Cụ thể, hàng hóa trong dịp này sẽ không đúng tiến độ.
Trong khu vực châu Á, các doanh nghiệp Hàn Quốc sẽ chịu tác động nhiều nhất vì họ là người sử dụng Hanjin nhiều nhất. Phía Việt Nam, các doanh nghiệp làm việc với Hàn Quốc cũng sẽ chịu tác động, chẳng hạn như các công ty nhập hàng từ Hàn Quốc về Việt Nam mà sử dụng dịch vụ của Hanjin. Tiến độ giao hàng chậm sẽ tác động đến doanh thu.
Hãng tàu biển Hanjin Shipping của Hàn Quốc vừa đệ đơn xin phá sản lên tòa án vào ngày 1/9 sau khi các chủ nợ đã mất kiên nhẫn với họ. Điều này khiến khoảng một nửa đội tàu chở hàng của Hanjin cùng vô số hàng hóa chở trên đó mắc kẹt trên biển.
Nguyên do là bởi phía các cảng biển lo sợ về khả năng chi trả phí vận chuyển bốc dỡ của Hanjin nên họ không dám tiếp nhận các tàu chở hàng của công ty này và vì vậy chúng sẽ phải "án binh bất động" trên biển trong khoảng thời gian Hajin dàn xếp.
Điều đáng nói là Hanjin nộp đơn phá sản trong giai đoạn cao điểm vận chuyển hàng hóa trong năm. Điều này có nghĩa là những mặt hàng như tivi, túi, đồ nội thất vốn được tiêu thụ rất nhiều trong dịp cuối năm cho lễ Tạ ơn và dịp nghỉ Giáng sinh có thể sẽ bị trì hoãn.
Những hàng hóa này phải vượt biển 10 ngày để tới Los Angeles từ châu Á và có thể mất nhiều nhất là 30 ngày để tới được Rotterdam.
Theo Thế Trần
Theo Trí thức trẻ