Quy tắc xuất xứ: Điểm yếu của ngành Da giày trong hội nhập

Da giày là một trong những ngành có thế mạnh XK của Việt Nam và là ngành có lợi thế lớn khi Việt Nam tham gia các Hiệp định thương mại tự do. Tuy nhiên những lợi thế đó chỉ có thể tận dụng được khi các DN đáp ứng được các điều kiện về nguồn gốc xuất xứ.

 Tại hội nghị xúc tiến XK ngành da giày 2015 do Lefaso phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức tuần qua tại TP.HCM, ông Phan Chí Dũng, Vụ trưởng, Vụ Công nghiệp nhẹ, Bộ Công Thương cho biết, trong thời gian qua Việt Nam đã và đang đàm phán kí kết các Hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương với các nước và khu vực trên thế giới. Theo cam kết của các Hiệp định đã kí và đang đàm phán, nhiều sản phẩm da giày khi XK sang các thị trường của các nước và khu vực nêu trên được đưa vào diện cắt giảm thuế theo lộ trình với điều kiện đảm bảo quy tắc xuất xứ theo cam kết. Đây là cơ hội nhưng cũng là thách thức lớn đối với các DN Việt Nam do Việt Nam vẫn chưa tự cung cấp được đầy đủ nguyên phụ liệu cho ngành da giày XK.

Theo thống kê của Bộ Công Thương, trong năm 2014, Việt Nam vẫn phải NK nguyên phụ liệu da giày – dệt may với trị giá kim ngạch 4,75 tỉ USD, tăng 25,6% so với năm 2013. Trong đó, riêng NK da thuộc trong năm 2014 là trên 1,1 tỉ USD, tăng 37% so với năm 2013. Trong 5 tháng đầu năm, Việt Nam cũng đã bỏ ra 525 triệu USD để NK da thuộc. Các nguồn NK chủ yếu là từ Đài Loan (Trung Quốc), Thái Lan, Ấn Độ, Trung Quốc, Italy, Brazin.

Theo đánh giá của ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục XNK, Bộ Công Thương, hiện nay ngành da giày vẫn đang phải NK rất nhiều nguyên phụ liệu từ da sống, da thuộc cho đến mũ, đế, khuy, khoen… Trong các Hiệp định sẽ kí kết sắp tới như TPP và  FTA Việt Nam – EU thì các nước hiện nay đang cung cấp nguyên phụ liệu cho chúng ta như Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc)… không phải là thành viên của các Hiệp định này, điều đó sẽ gây cho nhiều khó khăn vì sản phẩm da giày của Việt Nam không đáp ứng được các yêu cầu về quy tắc xuất xứ và như vậy sẽ không được hưởng ưu đãi. Đây là điều mà các DN phải hết sức quan tâm để nâng cao tỉ lệ nội địa hoặc tỉ lệ hàm lượng về nguyên phụ liệu trong các Hiệp định mà Việt Nam tham gia thì mới có thể tận dụng được lợi thế từ hội nhập.

 Nhận định về tình trạng hiện nay trong ngành da giày mới chỉ có một số ít DN quan tâm đến các quy định về quy tắc xuất xứ, ông Trần Thanh Hải cho rằng, nguyên nhân lớn nhất là nhận thức của các DN về các FTA còn hạn chế. Các DN chưa hiểu biết hết về các cam kết trong các Hiệp định và làm thế nào để tận dụng Hiệp định đó. Đơn cử như đối với các yêu cầu về quy tắc xuất xứ, để có được Giấy chứng nhận xuất xứ thì DN phải đáp ứng được các yêu cầu về xuất xứ bằng việc thay đổi quy trình sản xuất, nguồn cung nguyên phụ liệu, phải chủ động được phần nào đó nguyên phụ liệu có thể do chính DN tự sản xuất hoặc liên kết với các DN khác trong ngành. Nếu làm được điều này thì khả năng tận dụng ưu đãi của các FTA sẽ được nâng cao…

Trong cam kết của các Hiệp định thương mại tự do không có các điều khoản cho phép ân hạn hay có thời gian chuyển tiếp. Do vậy, việc đáp ứng các yêu cầu về quy tắc xuất xứ Việt Nam phải tự giải quyết. Hiện nay một số DN đã có sự chủ động nhất định về việc tự cung ứng nguyên phụ liệu. Điển hình như Công ty Giày Gia Định đã đầu tư xây dựng cụm công nghiệp nguyên phụ liệu dệt may, da giày ở Bình Dương. Tuy nhiên, sản lượng còn thấp, nhất là chưa tạo được sự lan tỏa cho các DN khác, do vậy cũng chưa đáp ứng được nhu cầu nhưng đây cũng là một khởi đầu tốt. “Về phía mình Bộ Công Thương cũng đang nỗ lực thúc đẩy việc hoàn thiện Nghị định về công nghiệp hỗ trợ. Hi vọng với Nghị định này sẽ tạo ra lực đẩy cho ngành da giày cũng như các ngành công nghiệp khác đang còn phụ thuộc nhiều vào nguyên phụ liệu NK”, ông Trần Thanh Hải cho biết.

(Nguồn: internet)

< Trở lại