Tại dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 08/2015/NĐ-CP ngày 21/1/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan, nhiều quy định liên quan đến thủ tục khai báo hải quan đối với hàng hóa tạm nhập, tái xuất (TN-TX) sẽ được sửa đổi để khắc phục những vướng mắc phát sinh trong thực tế thực hiện.
Hoạt động nghiệp vụ tại Chi cục Hải quan chuyển phát nhanh (Hà Nội). Ảnh internet.
Bổ sung hướng dẫn đối với hàng TN phải TX
Một trong các nội dung được bổ sung vào dự thảo Nghị định sửa đổi là hướng dẫn thủ tục tái xuất đối với hàng hóa chưa hoàn thành thủ tục hải quan. Theo ban soạn thảo, do theo quy định tại khoản 1 Điều 48 Nghị định 08/2015/NĐ-CP thì việc tái xuất hàng hóa chỉ được thực hiện sau khi hàng hóa nhập khẩu đã hoàn thành thủ tục hải quan. Trên thực tế trong thời gian qua phát sinh một số trường hợp hàng hóa đăng ký tờ khai nhập khẩu nhưng chưa hoàn thành thủ tục hải quan, do hàng hóa nhập khẩu không phù hợp với hợp đồng mua bán về quy cách, chất lượng, trong đó có những mặt hàng thuộc diện phải kiểm tra nhà nước về chất lượng nếu thực hiện lấy mẫu để kiểm tra chuyên ngành theo quy định hiện hành sẽ không đảm bảo tính nguyên vẹn của hàng hóa, trong khi hàng hóa vẫn chịu sự giám sát của cơ quan Hai quan (còn lưu giữ tại cửa khẩu hoặc được đưa về bảo quản); nếu quy định phải hoàn thành thủ tục hải quan thì doanh nghiệp phải nộp thuế và hoàn thành thủ tục kiểm tra chuyên ngành, điều này sẽ làm phát sinh thủ tục hành chính.
Chính vì vậy, dự thảo Nghị định sửa đổi theo hướng: “Trường hợp hàng hóa (trừ ma túy, vũ khí, tài liệu phản động, hóa chất độc bảng I theo Công ước cấm vũ khí hóa học) chưa làm thủ tục nhập khẩu hoặc đã đăng ký tờ khai hải quan nhưng chưa hoàn thành thủ tục khai báo hải quan, đang nằm trong khu vực giám sát hải quan nhưng do gửi nhầm, lẫn, thất lạc, không có người nhận hoặc bị từ chối nhận, nếu người vận tải hoặc chủ hàng có văn bản đề nghị được tái xuất (trong đó nêu rõ lý do nhầm lẫn, thất lạc hoặc từ chối nhận) hoặc hàng hóa thuộc diện buộc tái xuất theo Quyết định của cơ quan có thẩm quyền thì chi cục trưởng chi cục hải quan nơi hàng hóa đang được lưu giữ tổ chức giám sát hàng hóa cho đến khi thực xuất ra khỏi lãnh thổ Việt Nam ngay tại cửa khẩu xuất”.
Gỡ vướng địa điểm làm thủ tục tại chi cục chuyển phát nhanh
Đây là vấn đề đã gây ra nhiều vướng mắc trong việc làm thủ tục hải quan đối với hàng tạm nhập-tái xuất tại hai chi cục hải quan chuyển phát nhanh thuộc Cục Hải quan Hà Nội và Cục Hải quan TP.HCM. Trước đó, do thực hiện theo đúng các quy định tại Nghị định 08/2015/NĐ-CP ngày 21/1/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan, chi cục hải quan chuyển phát nhanh không thực hiện thủ tục hải quan đối với loại hình TN-TX, TX-TN. Tuy nhiên theo Cục Hải quan Hà Nội, việc thực hiện theo đúng các quy định trên chưa tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Cục Hải quan Hà Nội đã có công văn kiến nghị Tổng cục Hải quan tháo gỡ vướng mắc thủ tục hải quan đối với hàng TN-TX, TX-TN tại Chi cục Hải quan Chuyển phát nhanh. Theo Cục Hải quan Hà Nội, căn cứ quy định tại các Điều 49, 50, 51, 52, 53, 54, 55 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan thì địa điểm làm thủ tục khai báo hải quan đối với hàng hóa TN-TX, TX-TN phải được thực hiện tại chi cục hải quan cửa khẩu.
Theo đó, toàn bộ khâu nghiệp vụ hải quan đối với hàng hóa TN-TX, TX-TN sẽ phải làm tại cửa khẩu từ khâu tiếp nhận, đăng ký, kiểm tra hồ sơ, kiểm tra hàng hóa theo quy định tại khoản 1 Điều 22 Luật Hải quan. Như vậy, hàng hóa TN-TX, TX-TN gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh đường hàng không không được phép đưa về kho của doanh nghiệp chuyển phát nhanh (ngoài khu vực cửa khẩu), mà phải khai thác và làm thủ tục tại Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài. Tuy nhiên, nhu cầu hàng hóa TN-TX, TX-TN gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh khá nhiều, do đó, việc không cho phép chi cục hải quan chuyển phát nhanh thực hiện thủ tục khai báo hải quan đối với loại hình này sẽ gây ách tắc hoạt động chuyển phát nhanh và phát sinh chi phí cho doanh nghiệp (hàng chuyển phát nhanh phải kéo nguyên pallet về kho chuyển phát nhanh để khai thác).
Xuất phát từ lý do trên, Cục Hải quan Hà Nội đề xuất Tổng cục Hải quan có giải pháp để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp gửi hàng qua dịch vụ chuyển phát nhanh. Hiện nay, trụ sở Chi cục Hải quan Chuyển phát nhanh trực thuộc Cục Hải quan Hà Nội đóng trên khu vực cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài nên đề xuất Tổng cục Hải quan kiến nghị Bộ Tài chính công nhận Chi cục Hải quan Chuyển phát nhanh là chi cục hải quan cửa khẩu.
Để khắc phục những vấn đề vướng mắc liên quan đến địa điểm khai báo thủ tục hải quan đối với hàng TN-TX, tại Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 08/2015/NĐ-CP, dự kiến sẽ bổ sung thêm chi cục hải quan chuyển phát nhanh là địa điểm được làm dịch vụ khai báo thủ tục hải quan đối với hàng hóa tạm nhập-tái xuất và ngược lại để phù hợp với hoạt động của chuyển phát nhanh.
Theo phân tích của ban soạn thảo, quy định tại khoản 2 Điều 8 Nghị định 01/2015/NĐ-CP quy định khu vực chuyển phát nhanh hàng hóa dịch vụ xuất nhập khẩu thuộc phạm vi địa bàn hoạt động hải quan tại khu vực ngoài cửa khẩu. Tuy nhiên, thực tế hiện nay các chi cục hải quan chuyển phát nhanh có địa điểm tại khu vực sân bay, hàng hóa gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh được chuyển từ sân bay về các kho hàng chuyển phát nhanh để khai thác, mặt khác, hàng hóa chuyển phát nhanh là hàng hóa đặc thù, yêu cầu về thời gian thông quan hàng hóa nhanh, trong khi các quy định liên quan đến địa điểm làm thủ tục TN-TX, TX-TN tại Nghị định 08/2015/NĐ-CP ngày 21/1/2015 lại quy định địa điểm làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa này là chi cục hải quan ngoài cửa khẩu, do đó đã phát sinh vướng mắc trong thời gian qua. Do vậy, tại các Điều liên quan đến TN-TX, TX-TN sẽ quy định thêm địa điểm làm thủ tục hải quan là chi cục hải quan chuyển phát nhanh.
>>Vì sao Hải quan CPN không làm thủ tục hàng tạm nhập-tái xuất, tạm xuất-tái nhập?
Nguồn internet