Ngày 15/3, tại buổi làm việc với Đoàn công tác của Bộ Y tế kiểm tra công tác triển khai Nghị định số 15/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm tại Cục Hải quan TP.HCM, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã giải đáp ngay nhiều vướng mắc.
Công chức Hải quan cảng Sài Gòn khu vực 1 kiểm tra thực phẩm nhập khẩu. Ảnh: T.H
Chỉ quản lý sản phẩm
Một trong những những vướng mắc lớn nhất của các đơn vị hải quan khi thực hiện Nghị định số 15/2018/NĐ-CP đó là quy định về nguyên liệu nhập khẩu sản xuất nội bộ.
Giải đáp vướng mắc này, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long giải thích, quy định nguyên liệu nhập khẩu sản xuất nội bộ, mới đọc thì khó hiểu, nhưng được hiểu tất cả nguyên liệu NK về phục vụ cho sản xuất của DN đó, còn sản phẩm đó bán ở nội địa, hay xuất khẩu đều được miễn kiểm tra nhà nước về chất lượng. Trong trường hợp DN dùng nguyên liệu nhập khẩu đó bán ra thị trường thì phải công bố hoặc có giấy xác nhận.
“Quan điểm của chúng ta là quản lý sản phẩm, không quản lý nguyên liệu, có như vậy mới tránh được tình trạng 1 cái bánh chocopie sử dụng 13 nguyên liệu phải qua 13 cơ quan quản lý kiểm tra chất lượng như thời gian vừa qua”- Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long khẳng định.
Về cơ quan nhà nước kiểm tra chuyên ngành, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, vẫn giữ như cũ, nhưng để đảm bảo thực thi thuận lợi, Bộ Y tế vừa đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công Thương phải có văn bản tiếp tục sử dụng các đơn vị kiểm tra nhà nước như trước đây.
Về mã HS cơ bản vẫn sử dụng như cũ, chỉ có một số mã HS thay đổi sẽ được các bộ cập nhật sửa đổi bổ sung cho phù hợp với thực tiễn.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định, Nghị định 15 được xây dựng trên nguyên tắc rất cơ bản là chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, áp dụng phương pháp quản lý rủi ro (QLRR) tiệm cận cách quản lý của các nước trên thế giới. Riêng phần kiểm tra chuyên ngành về an toàn thực phẩm (ATTP) vẫn còn có khúc mắc khi triển khai thực hiện do Nghị định có hiệu lực ngay từ ngày ký.
Để giải quyết các vướng mắc này, Bộ Y tế chủ trì cùng với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công Thương sẽ giải đáp các vướng mắc phát sinh, làm sao loại bỏ tất cả những khó khăn, vướng mắc mang tính hành chính, nhưng vẫn giữ được việc quản lý ATTP đối với hàng hóa nhập khẩu.
Không để DN chạy lòng vòng
Tại buổi làm việc, cơ quan Hải quan và cơ quan kiểm tra chuyên ngành cũng cho rằng, do chưa có sự hướng dẫn, quy định cụ thể khi triển khai Nghị định 15 nên đã phát sinh vướng mắc khiến DN phải chạy lòng vòng.
Bà Phan Ngọc Mai Liêm, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất phản ánh, mặt hàng bơ nhập khẩu qua cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất rất lớn, nhưng trường hợp này DN vừa kiểm dịch, vừa kiểm tra ATTP, DN phải chạy 2 nơi để thực hiện.
Cùng vướng mắc này, ông Mai Văn Sủng, Phó Giám đốc Trung tâm 3 chia sẻ, sau thời gian ngắn thực hiện, DN gặp vướng mắc khi DN có sản phẩm nhập khẩu phải chịu sự quản lý của 2 bộ ngành trở lên đang phải chạy lòng vòng. Trong đó có 1 sản phẩm chịu quản lý của Bộ Y tế, 1 sản phẩm chịu quản lý của Bộ Công Thương, không có sản phẩm nào thuộc quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nên Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn không nhận.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Thông tư 24 có hiệu từ tháng 2/2018, những hàng hóa thuộc danh mục có quy định trong Nghị định 15, nhưng không có trong Thông tư 24 thì Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng từ chối tiếp nhận.
Ngoài ra, ông Sủng cũng phản ánh, các biểu mẫu trên hệ thống một cửa quốc gia vẫn còn theo Nghị định 38, chưa thay đổi biểu mẫu theo quy định tại Nghị định 15, khiến các DN tham gia một cửa cũng băn khoăn khi thực hiện.
Giải đáp các vướng mắc trên, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long, khẳng định, trước khi ban hành Nghị định 15 cả 3 bộ đều thống nhất, nếu DN nhập khẩu 2 sản phẩm trở lên phải kiểm tra nhà nước, cho dù sản phẩm đó không thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì bộ này là đơn vị tiếp nhận mẫu sản phẩm.
“Việc cơ quan của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn từ chối tiếp nhận mẫu sản phẩm của DN khi có không có sản phẩm nhập khẩu thuộc sự quản lý của bộ mình là chưa đúng tinh thần, nội dung quy định tại Nghị định 15”- Thứ trưởng Long khẳng định.
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cho rằng, quản lý làm thủ tục cho lượng hàng hóa XNK rất lớn, Cục Hải quan TP.HCM đã chủ động có những cách giải pháp linh động để tạo thuận lợi cho DN được thông quan hàng hóa theo quy định tại Nghị định 15.
Nguồn internet