Tự chứng nhận xuất xứ: Thách thức hay cơ hội?

Dự kiến từ sau năm 2015 DN Việt Nam thực hiện cơ chế tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa (CNXX) khi luân chuyển hàng hóa trong nội khối ASEAN và khi giao thương với các quốc gia là thành viên của một số Hiệp định thương mại (FTA) sắp ký kết. Tuy nhiên, hiện nhiều DN chưa biết rõ ràng và đầy đủ về cơ chế này cũng như hiểu đúng về cơ hội và thách thức mà tự CNXX mang lại.

Xu hướng phát triển chung

Tự CNXX hàng hóa được hiểu là trách nhiệm chứng nhận nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa (C/O) sẽ chuyển từ các cơ quan chuyên trách, cơ quan quản lý sang DN hoặc nhà NK. Điều đó có nghĩa là DN hoặc nhà NK sẽ tự thực hiện các thủ tục và đáp ứng điều kiện để tuyên bố hàng hóa đáp ứng các tiêu chuẩn về nguồn gốc xuất xứ và tự chịu trách nhiệm về tính chính xác của tuyên bố đó thay vì xin cấp CNXX từ phía cơ quan quản lý như trước đây. Hiện DN Việt Nam đang có ba “cửa ngõ” để tiếp cận hình thức tự CNXX. Thứ nhất là theo các FTA (hiệp định thương mại tự do); thứ hai là theo mục tiêu chung của khối ASEAN khi Cộng đồng kinh tế ASEAN được thành lập và thứ ba là Hệ thống ưu đãi thuế quan của EU (GSP) cũng bắt đầu áp dụng cơ chế này từ năm 2017 với thời gian chuyển đổi từ là từ 2017 đến 2020.

Để hiện thực hóa mục tiêu thành lập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) vào năm 2015, ngày 10-9-2014 Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Nghị quyết số 68/NQ-CP, theo đó Việt Nam đã chính thức tham gia cơ chế tự CNXX và đang hoàn thiện các thủ tục cần thiết để chính thức thực hiện. Cơ chế tự CNXX mà Việt Nam tham gia là dự án số 2 với cơ chế chỉ nhà sản xuất đồng thời là nhà XK đủ điều kiện được tham gia tự CNXX. Như vậy, DN nào chỉ làm về thương mại thì không tham gia được dự án này.

Ngoài cơ chế tự CNXX khi tham gia AEC, trong các FTA mà Việt Nam chuẩn bị ký kết cũng có một số lượng khá lớn FTA thực hiện cơ chế này. Có thể kể đến là FTA Việt Nam – EU, Việt Nam – EFTA (FTA giữa Việt Nam và khối EFTA (gồm các nước Iceland, Liechtenstein, Na Uy và Thụy Sĩ), TPP (Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương) hay FTA giữa Việt Nam và Hàn Quốc sẽ được thảo luận sau khi Hiệp định có hiệu lực 3 năm.

Cơ hội nhiều, thách thức lắm

Theo ông Âu Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý (Tổng cục Hải quan), đối với nhà XK tham gia dự án thí điểm tự CNXX, nhà XK đăng ký với cơ quan có thẩm quyền của nước XK để trở thành nhà XK có đủ điều kiện trên cơ sở chứng minh được khả năng xác định chính xác xuất xứ hàng hóa XK. Nhà XK sẽ nộp hóa đơn thương mại thể hiện đủ thông tin về xuất xứ hàng hóa cho cơ quan Hải quan tại thời điểm NK để được hưởng ưu đãi. Nhà XK cũng sẽ phải thực hiện các thủ tục khác theo quy định cũng như chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính xác thực đối với nội dung khai báo về xuất xứ hàng hóa.

Còn theo bà Bùi Kim Thùy, Phó Trưởng phòng xuất xứ hàng hóa, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), cơ chế tự chứng nhận xuất xứ nếu được áp dụng sẽ cho phép thương nhân được quyền tự khai báo xuất xứ của hàng hóa trên hóa đơn thương mại hoặc bất kỳ chứng từ nào khác thay cho Giấy CNXX hàng hóa hiện hành. Nhờ đó sẽ tiết kiệm thời gian và chi phí cho DN, thúc đẩy thuận lợi hóa thương mại và đầu tư giữa các nước. Với cơ chế này, DN không phải đi xin xuất xứ cho từng lô hàng XK, mà có thể sử dụng quyền tự CNXX để chủ động áp dụng cho các lô hàng XK trong một thời gian nhất định. Bà Doãn Thúy Hoa, đại diện Công ty Trách nhiệm hữu hạn ABB, DN chuyên sản xuất các thiết bị, hệ thống kỹ thuật điện tại Hà Nội cũng cho rằng, việc tự CNXX hàng hóa có nhiều thuận lợi, đơn cử như trong trường hợp chưa có giấy phép tự chứng nhận thì DN sẽ được nợ và có thể nộp thuế ngay sau đó được giảm trừ thuế.

Tự CNXX nghe về lý thuyết sẽ mang lại nhiều lợi ích cũng như cơ hội cho DN. Tuy nhiên, khi trao đổi với phóng viên, bà Trần Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) cho rằng, về yêu cầu nguyên phụ liệu và cơ chế kiểm tra thì DN Việt khó có thể đạt được như mong muốn bởi hiện nay nhiều DN vẫn phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu từ Trung Quốc và hệ thống chứng từ, sổ sách chưa được thực hiện một cách bài bản. Thêm một ví dụ nữa khi ông Svein Gronlie, Tổng cục Hải quan Na Uy cho biết, hiện nay quy trình cấp phép cho hàng hóa NK vào khối EFTA rất khắt khe. Đối với Na Uy giấy phép tự CNXX hàng hóa cấp cho các nhà XK lần đầu vào thị trường này chỉ có thời hạn 2 năm. Kết thúc thời hạn trên, nếu DN tuân thủ tốt, giấy phép sẽ được cấp với thời hạn 5 năm. Ít nhất 1 lần trong giai đoạn 2 năm đầu thử thách và 2 lần trong thời gian 5 năm, cơ quan hải quan địa phương Na Uy sẽ kiểm soát các nhà XK được cấp phép, nếu phát hiện sai phạm sẽ bị tước giấy phép. Theo ông Nestor Scherbey, chuyên gia tư vấn của Dự án USIAD GIG, hiện cơ chế tự CNXX đã được thực hiện trên 40 năm trên thế giới với hơn 20 mô hình khác nhau tại các quốc gia.

Có thể thấy, mặc dù là mới ở Việt Nam, nhưng hệ thống tự CNXX hiện nay đã trở nên khá phổ biến trên thế giới. Cùng với việc một loạt các FTA mà Việt Nam đang tham gia đàm phán với các đối tác đều sử dụng cơ chế này, khả năng lớn là cơ chế sẽ sớm được áp dụng tại Việt Nam trong tương lai. Vì vậy, ngay từ bây giờ các DN cần chủ động tìm hiểu về cơ chế tự CNXX để có những sự chuẩn bị cần thiết cho việc tận dụng các FTA này một khi được ký kết.

Bà Lê Thị Hồng Ngọc, Phó Trưởng phòng Cục Giám sát quản lý về hải quan, Tổng cục Hải quan: Đối với nhà XK tham gia Dự án thí điểm tự chứng nhận, nhà XK đủ điều kiện tự CNXX trên hóa đơn thương mại để xác nhận rằng hàng hóa đáp ứng quy tắc xuất xứ trong ATIGA. Nhà XK ký bằng tay và ghi đầy đủ họ tên người ký trên hóa đơn, chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính xác thực đối với nội dung khai báo về xuất xứ hàng hóa.

Ông Nestor Scherbey, chuyên gia tư vấn của Dự án USIAD GIG: Theo Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA), các nhà NK ở Hoa Kỳ và Canada phải nắm giữ Giấy CNXX khi làm tờ khai hải quan, mặc dù không phải trình C/O vào lúc này, song nhà NK phải chuẩn bị sẵn phòng khi nhân viên hải quan yêu cầu lúc làm tờ khai. Mỗi lô hàng XK xin áp dụng ưu đãi theo NAFTA đều phải có một Giấy chứng nhận và chỉ áp dụng cho hàng hóa được nêu trong Giấy chứng nhận đó. Giấy Chứng nhận không cần phải đi kèm với mỗi lô hàng nhưng phải được trình cho Cơ quan bảo vệ biên giới Hoa Kỳ theo yêu cầu.

(Nguồn: internet)

< Trở lại