Vải nhập Trung Quốc thành áo sơ mi: xuất xứ Việt Nam hay Trung Quốc?

Tiêu chí xuất xứ không thuần túy áp dụng cho từng nhóm hàng hóa không giống nhau (chẳng hạn tiêu chí đối với hàng dệt may sẽ khác tiêu chí đối với ô tô).


Ảnh minh họa

Một trong những nội dung quan trọng của các Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) nói chung và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) là quy tắc xuất xứ (QTXX). Do toàn văn của TPP vẫn chưa được công bố nên chúng ta chưa nắm được nội dung đầy đủ của chương về QTXX trong Hiệp định này. Tuy vậy, nhằm giúp độc giả hiểu rõ hơn về vấn đề có tính kỹ thuật này, dựa trên những thông tin đã có, bài viết sẽ trình bày một cách ngắn gọn bản chất của QTXX trong Hiệp định TPP cũng như đưa ra một số dự báo về ảnh hưởng mà nó đem lại.

Quy tắc xuất xứ là gì?

Không đi sâu vào khái niệm cụ thể, có thể hiểu về bản chất, xuất xứ là quốc tịch của hàng hóa (HH) và QTXX là các quy định được xây dựng để xác định quốc tịch này. Các QTXX về cơ bản gồm hai phần chính: các tiêu chí xác định xuất xứ và các quy chế liên quan tới thủ tục chứng nhận và kiểm tra xuất xứ. Bài viết này sẽ tập trung vào phần thứ nhất.

Về tổng thể, có hai nhóm tiêu chí xuất xứ áp dụng cho hai đối tượng HH khác nhau. Đối tượng thứ nhất là các HH được sản xuất tại duy nhất một quốc gia/vùng lãnh thổ; khi đó HH được coi là có xuất xứ thuần túy tại quốc gia/vùng lãnh thổ này (thí dụ, gạo được trồng cấy và thu hoạch tại Mỹ). Tiêu chí xuất xứ thuần túy trong TPP về cơ bản sẽ giống các FTA khác: liệt kê các trường hợp HH được coi là có xuất xứ thuần túy (chủ yếu là nông, lâm, thủy hải sản và khoáng sản).

Loại thứ hai phức tạp hơn, đó là các HH được sản xuất tại nhiều quốc gia/vùng lãnh thổ khác nhau, hay còn gọi là HH có xuất xứ không thuần túy. Chẳng hạn, vải nhập khẩu (NK) từ Trung Quốc (TQ) về Việt Nam (VN) để gia công thành áo sơ mi sẽ có xuất xứ TQ hay VN? Câu trả lời phụ thuộc vào việc HH đã đáp ứng được các tiêu chí xuất xứ tương ứng với nó hay chưa.

Tiêu chí xuất xứ không thuần túy áp dụng cho từng nhóm HH thường không giống nhau (chẳng hạn tiêu chí đối với hàng dệt may sẽ khác tiêu chí đối với ô tô). Về cơ bản, TPP cũng như các FTA khác xây dựng các tiêu chí xuất xứ dựa trên nguyên tắc HH đã được gia công chế biến đầy đủ; nghĩa là:

(i) HH đã chuyển đổi mã số thuế quan (mã số của HH trong biểu thuế) so với nguyên vật liệu đầu vào NK. Thí dụ: gỗ (Chương 44) có xuất xứ TQ được sử dụng để sản xuất thành bàn ghế tại VN (Chương 94); hoặc

(ii) HH đạt một hàm lượng giá trị khu vực nhất định. Thí dụ: hàm lượng giá trị khu vực đối với mặt hàng ô tô trong TPP là 45%; hoặc

(iii) HH trải qua một số công đoạn gia công chế biến nhất định. Thí dụ: quy tắc “từ sợi trở đi” áp dụng với hàng dệt may trong TPP.

Bên cạnh các tiêu chí xuất xứ chính đó, còn có những quy định chi tiết khác để giúp xác định được một HH có xuất xứ tại các quốc gia trong một FTA như TPP hay không. Điển hình là quy định về cộng gộp xuất xứ sẽ được nhắc tới ở phần sau của bài viết.

QTXX – chốt chặn với hàng hóa Trung Quốc

Vậy TPP cũng như các FTA nói chung đặt ra QTXX để làm gì? Để trả lời câu hỏi này, hãy hình dung điều gì sẽ xảy ra nếu không có QTXX. Giả sử mặt hàng X xuất xứ TQ; thuế NK mặt hàng này vào Mỹ là 20%, vào VN là 5%. TQ có thể đưa hàng vào VN (với mức thuế 5%), sau đó tái xuất sang Mỹ để hưởng mức thuế NK rất thấp hoặc bằng 0% trong TPP. Nếu vậy, TQ vẫn được hưởng lợi từ TPP không khác gì một thành viên của Hiệp định này. Xem dịch vụ xin giấy phép xuất nhập khẩu

Điều này sẽ không xảy ra vì có QTXX. Chỉ khi mặt hàng X có xuất xứ TQ đã đáp ứng được QTXX của TPP sau quá trình gia công chế biến tại VN, nó mới có cơ hội hưởng ưu đãi (và khi đó, X đã chuyển hóa thành một HH có xuất xứ TPP). Nếu đơn thuần chỉ tái xuất hoặc gia công giản đơn, X sẽ vẫn mang xuất xứ TQ và không được hưởng ưu đãi khi NK vào Mỹ dù đi đường vòng qua VN.

Ưu đãi đúng đối tượng là mục đích quan trọng nhất của QTXX trong các FTA nói chung và TPP nói riêng. Đây là một lý do cơ bản của việc TQ không được hưởng lợi trực tiếp từ TPP vì không phải thành viên của Hiệp định này.

Tuy nhiên, cũng cần thận trọng: nếu các thành viên TPP dùng nguyên vật liệu/bán thành phẩm của TQ để làm ra thành phẩm đáp ứng tiêu chí xuất xứ thì thành phẩm đó vẫn được hưởng ưu đãi. Một số nước thành viên TPP đã ký các FTA từ trước với TQ, thí dụ VN và TQ đều là thành viên của ACFTA (Hiệp định Thương mại tự do ASEAN – Trung Quốc). Do đó, nguyên vật liệu/bán thành phẩm của TQ vẫn có thể được NK vào VN với thuế suất thấp (nhờ ACFTA), gia công chế biến đến mức đạt tiêu chuẩn xuất xứ và sau đó xuất khẩu sang các nước thành viên TPP và hưởng ưu đãi theo Hiệp định này. TQ trong trường hợp này vẫn gián tiếp hưởng lợi.

Song, việc NK nguyên vật liệu/bán thành phẩm từ TQ có thể giảm nhờ hai nguyên nhân: (i) thuế NK nguyên vật liệu/bán thành phẩm từ các nước thành viên TPP giảm giúp chúng cạnh tranh hơn; (ii) nguyên tắc cộng gộp xuất xứ khi tính hàm lượng giá trị khu vực – chỉ nguyên vật liệu/bán thành phẩm có xuất xứ TPP mới được cộng gộp với nhau – sẽ khuyến khích các nước thành viên TPP mua lẫn nhau thay vì mua từ TQ.

Một số vấn đề đặt ra cho Việt Nam

Thứ nhất, cần hiểu QTXX không chỉ là chốt chặn với các nước ngoài TPP mà còn là chốt chặn giữa chính các thành viên TPP với nhau vì chỉ các HH đáp ứng được QTXX mới được hưởng ưu đãi. Đối với VN, ngoài nhóm sản phẩm có xuất xứ thuần túy, các sản phẩm sử dụng đầu vào NK (nhất là từ các nước ngoài TPP) sẽ gặp không ít khó khăn vì nhìn chung tiêu chí xuất xứ trong TPP khá chặt. Với tỷ lệ nội địa hóa thấp như hiện nay thì dù VN tham gia TPP, nhiều mặt hàng cũng khó đáp ứng QTXX để hưởng ưu đãi.

Thứ hai, để đạt mức 40-45% theo tiêu chí hàm lượng giá trị không phải là điều dễ dàng, vì thế cũng như các FTA khác, TPP cho phép cộng gộp giá trị nguyên vật liệu/bán thành phẩm của các thành viên với nhau. Thí dụ, nếu HH có 25% giá trị được tạo ra ở Peru và 25% được tạo ra ở VN, theo nguyên tắc cộng gộp, HH sẽ có hàm lượng giá trị TPP là 50%. Như đã nói ở trên, nguyên tắc này sẽ khuyến khích các nước thành viên TPP mua trong nội khối nhiều hơn.

Điều đó sẽ thúc đẩy việc xuất khẩu nhiều sản phẩm nguyên liệu của VN song cũng sẽ có những hệ lụy. Việt Nam có thể vẫn sẽ chỉ xuất khẩu nguyên sản phẩm thô (nhất là nhu cầu gia tăng); hoặc vẫn tiếp tục NK nguyên vật liệu/bán thành phẩm từ các nước TPP về gia công với giá trị gia tăng thấp (do ỷ lại vào nguyên tắc cộng gộp).

Thứ ba, sự cạnh tranh với HH nội địa sẽ đến nhanh nhất từ các HH NK ngay từ đầu đã đáp ứng được QTXX của TPP mà không cần quá trình điều chỉnh sản xuất. Chẳng hạn, các mặt hàng có xuất xứ thuần túy như như thịt, trứng, sữa, đường mía… từ Mỹ, Úc sẽ ồ ạt tràn vào VN. Để đối phó với tình trạng này, trước mắt cần thiết lập các hàng rào kỹ thuật phù hợp để bảo vệ người tiêu dùng và sản xuất trong nước. Trong dài hạn, nâng cao tính cạnh tranh của HH nội địa và giảm chi phí sản xuất là bài toán sống còn, nhất là khi tỷ lệ HH NK đáp ứng QTXX ngày một gia tăng. Xem dịch vụ xin giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (CO)

Tóm lại, dù tiềm ẩn những thách thức nhưng QTXX của Hiệp định TPP cũng là một cơ hội thúc đẩy VN thay đổi toàn diện hoạt động sản xuất cũng như cơ cấu xuất nhập khẩu nhằm đạt tiêu chí hưởng lợi khi xuất khẩu cũng như cạnh tranh được với HH NK.

Khi toàn văn Hiệp định TPP được công bố, một chương trình đào tạo về QTXX cần nhanh chóng được xây dựng và phổ biến đến cộng đồng doanh nghiệp, trong đó đưa ra khuyến nghị từng nhóm ngành dựa trên các tiêu chí áp dụng với sản phẩm của nhóm ngành đó. Tận dụng được QTXX hay không, cũng như tận dụng được đến đâu phụ thuộc phần lớn vào cộng đồng doanh nghiệp cũng như các chính sách vĩ mô của chính phủ trong thời gian sắp tới.

(Nguồn internet)

< Trở lại