Ngày 25-6, tại TP.Hồ Chí Minh đã diễn ra hội thảo kết nối thương mại Việt Nam – Hàn Quốc với sự tham gia của trên 100 doanh nghiệp Việt Nam – Hàn Quốc. Đây là dịp để các doanh nghiệp hợp tác giao thương.
Ngày 5-5-2015, Việt Nam đã chính thức ký Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với Hàn Quốc. Đây là hiệp định có ưu đãi về thuế quan cao nhất trong những hiệp định Việt Nam đã ký kết. Sau khi FTA Việt Nam – Hàn Quốc được ký kết, 90-95% các dòng thuế xuất, nhập khẩu sẽ giảm về 0%. Song, doanh nghiệp muốn được hưởng các ưu đãi về thuế quan, hàng hóa phải rõ nguồn gốc xuất xứ và đảm bảo chất lượng.
Nới lỏng xuất xứ hàng hóa
So với FTA giữa ASEAN và Hàn Quốc thì FTA Việt Nam – Hàn Quốc có mức độ ưu đãi cao hơn nhiều và các quy định về xuất xứ của nhiều mặt hàng cũng đuợc nới lỏng, thuế giảm nhanh và sâu. Việc này sẽ giúp hàng hóa của Việt Nam tăng thêm tính cạnh tranh khi xuất khẩu vào thị trường Hàn Quốc. Đồng thời, những doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu nguyên liệu từ Hàn Quốc để sản xuất có thêm ưu thế, giảm được giá thành.
Bà Bùi Kim Thùy, Phó trưởng phòng Xuất xứ hàng hóa Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), cho biết: “Ký kết riêng FTA với Hàn Quốc giúp Việt Nam có nhiều lợi thế hơn so với FTA giữa ASEAN với Hàn Quốc vì Hàn Quốc dành cho Việt Nam các ưu đãi cắt giảm thuế nhanh, tạo cơ hội cho xuất khẩu, đặc biệt là mặt hàng nông sản, thủy sản và hoa quả, dệt may, đồ gỗ. Ví dụ như mặt hàng tôm, Hàn Quốc miễn thuế cho Việt Nam với hạn ngạch 10 ngàn tấn/năm và tăng dần trong 5 năm lên đến 15 ngàn tấn/năm, trong khi cả khối ASEAN chỉ được 5 ngàn tấn/năm”. Tuy nhiên, hiện Việt Nam mới xuất khẩu được khoảng 2.500 tấn tôm/năm sang thị trường Hàn Quốc.
Bà Phan Thị Thanh Minh, Cục trưởng Cục Công tác phía Nam (Bộ Công thương), cho hay: “Theo cam kết, Hàn Quốc sẽ giảm 95% số dòng thuế, còn Việt Nam cắt giảm 90% số dòng thuế cho phía Hàn Quốc. Những quy định về nhiều nhóm hàng hóa cũng được nới lỏng không đòi hỏi quá khắt khe về nguồn gốc xuất xứ. Hiệp định cho phép doanh nghiệp Việt Nam nhập nguyên liệu nhiều mặt hàng từ nước ngoài, song sản xuất khâu cuối tại Việt Nam cũng được miễn giảm thuế khi xuất vào Hàn Quốc”. Đây là FTA có ưu đãi lớn nhất về thuế quan mà Việt Nam đã ký kết, vì các FTA khác đều yêu cầu nguyên liệu sản xuất hàng hóa từ trong nước hoặc nhập khẩu từ nước tham gia ký kết FTA.
Cơ hội để xuất khẩu.
Theo Bộ Công thương, hiện nay Hàn Quốc là đối tác thương mại lớn thứ 3 và là đối tác đầu tư trực tiếp lớn nhất Việt Nam. Đồng thời, Hàn Quốc cũng thuộc nhóm 3 nước có lượng du khách đến Việt Nam lớn nhất. Năm 2014, Việt Nam xuất khẩu sang Hàn Quốc trên 7,1 tỷ USD (tăng 7,7% so với năm 2013), trong khi nhập khẩu hàng hóa có xuất xứ từ Hàn Quốc gần 22 tỷ USD. Sau khi ký kết hiệp định, hai nước dự kiến tăng kim ngạch xuất nhập khẩu lên 70 tỷ USD vào năm 2020.
“Để hàng hóa Việt Nam dễ dàng xuất khẩu vào Hàn Quốc, đặc biệt là nông sản, Chính phủ đã có chính sách mở cửa cho nhiều mặt hàng, như: tỏi, gừng, khoai lang, mật ong… là những nhóm hàng xuất khẩu vào Hàn Quốc đòi hỏi rất khắt khe. Đây là cơ hội lớn để doanh nghiệp Việt đẩy mạnh xuất khẩu vào Hàn Quốc” – ông Moon Byung Chul, Lãnh sự phụ trách thương mại của Tổng lãnh sự quán Hàn Quốc tại TP. Hồ Chí Minh bày tỏ. Hệ thống Lotte Mart hiện đã liên kết với nhiều doanh nghiệp Việt Nam để đưa các mặt hàng nông sản, trái cây, thực phẩm tươi sống, may mặc, đồ gỗ… xuất sang Hàn Quốc qua kênh siêu thị. Ông Hong Won Sik, Tổng giám đốc Lotte Mart Việt Nam, nói: “Năm 2014 có 101 mặt hàng của Việt Nam xuất khẩu qua Hàn Quốc thông qua hệ thống siêu thị với kim ngạch 250 ngàn USD. Năm nay, sẽ kết nối đưa khoảng 200 mặt hàng sang Hàn Quốc”. Cũng theo ông Hong Won Sik, Lotte Mart Việt Nam đang tìm các thương hiệu hàng hóa có uy tín, chất lượng tại Việt Nam trên nhiều lĩnh vực để liên kết xuất khẩu vào Hàn Quốc để hưởng các ưu đãi về thuế.
Tại Đồng Nai, Hàn Quốc xếp thứ hai trong 40 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào tỉnh với tổng vốn trên 4,6 tỷ USD. Hàn Quốc cũng là một trong những thị trường xuất khẩu lớn của tỉnh. “Từ đầu năm đến nay, Đồng Nai xuất khẩu sang Hàn Quốc gần 483 triệu USD. Có 3 nhóm hàng xuất khẩu sang thị trường này nhiều là: giày dép, dệt may và các sản phẩm từ gỗ” – ông Nguyễn Phúc Thọ, Phó cục trưởng Cục Hải quan Đồng Nai, cho hay. Một số doanh nghiệp có tham gia xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc cho biết, đang đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường này để hưởng các ưu đãi. Trong đó, lợi thế lớn nhất là nhiều mặt hàng nguyên liệu sản xuất được phép nhập khẩu từ bất kỳ nước nào cũng được miễn giảm thuế.
(Nguồn: internet)