Vì sao phải siết chặt kiểm tra mặt hàng thép nhập khẩu?

Từ phản ánh của Hiệp hội Thép Việt Nam, các doanh nghiệp trong nước và số liệu thống kê tại Tổng cục Hải quan cho thấy, thời gian qua có hiện tượng doanh nghiệp nhập khẩu cố tình chuyển mã HS để lẩn tránh biện pháp thuế tự vệ và chính sách thuế nhập khẩu. Vì vậy, Tổng cục Hải quan đã yêu cầu Cục Hải quan các tỉnh, thành phố tăng cường công tác kiểm tra, lấy mẫu gửi phân tích phân loại đối với một số mặt hàng thép nhập khẩu.

Thép nhập khẩu tại cảng. Ảnh minh họa

Cố tình chuyển mã HS để lẩn tránh biện pháp thuế tự vệ

Việc áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời đối với mặt hàng phôi thép và thép dài nhập khẩu vào Việt Nam được Bộ Công Thương thực hiện từ ngày 7/3/2016 theo Quyết định số 862/QĐ-BCT. Và tiếp đến ngày 18/7/2016, Bộ Công thương lại tiếp tục áp dụng biện pháp tự vệ chính thức đối với mặt hàng phôi thép và thép dài nhập khẩu vào Việt Nam theo Quyết định số 2968/QĐ-BCT. Phản hồi về chính sách này, các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước cho rằng, việc áp dụng thuế tự vệ đã có tác động tích cực nhất định đến tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước.

Tuy nhiên, đến ngày 18/10/2016, Hiệp hội Thép Việt Nam đã có công văn số 71/HHTVN phản ánh: Qua theo dõi tình hình nhập khẩu thấy đang tồn tại hiện tượng các doanh nghiệp NK lẩn tránh thuế tự vệ bằng cách khai chuyển mã số HS code. Cụ thể, mặt hàng thép cuộn hợp kim thuộc mã HS 7227.90.00 (mã HS chịu thuế tự vệ) nhập khẩu trong 9 tháng đầu năm 2016 giảm rõ rệt, bằng 29% so với cùng kỳ và bằng 25% so với cả năm 2015; trong khi thép cuộn nhập khẩu theo mã HS 7213.91.90 (mã HS không chịu thuế tự vệ) tăng đột biến từ tháng 4/2016, tổng lượng nhập khẩu trong 9 tháng đầu năm tăng gấp 14 lần so với cùng kỳ năm trước.

Cùng với sự gia tăng về lượng nhập khẩu là sự xuất hiện của các doanh nghiệp nhập khẩu hoàn toàn mới so với năm 2015. Năm 2015 có khoảng 30 doanh nghiệp nhập khẩu mặt hàng thép mã 7213.91.90, nhưng 9 tháng đầu năm 2016 có tới 70 doanh nghiệp và đều là các công ty thương mại.

Ngày 27/3/2016, Hiệp hội thép Việt Nam tiếp tục có công văn số 19/2017/HHTVN phản ánh tình trạng: Biện pháp áp dụng thuế tự vệ thương mại đã góp phần giảm lượng nhập khẩu phôi thép và thép dài, nhưng xuất hiện hiện tượng các sản phẩm thép cuộn loại khác (mã số 7213.91.90, 7213.99.90, 9839.10.00 và 9839.20.00) tăng cao đột biến. Tính riêng sản lượng nhập khẩu các mã số 7213.91.90, 7213.99.90, 9839.10.00 và 9839.20.00 trong năm 2016 là 536.559 tấn, tăng gấp 14,8 lần so với năm 2015. Riêng 2 tháng đầu năm 2017, lượng thép cuộn nhập khẩu của các mã số này là 46.735 tấn, tăng gấp 11 lần so với cùng kỳ năm 2016.

Tiếp đến, ngày 2/12/2016, Hội đồng Hiệp hội gồm 18 Công ty sản xuất thép trong nước đã có công văn phản ánh: Sau khi áp dụng biện pháp thuế tự vệ tại các Quyết định nêu trên, nhiều DN nhập khẩu cố tình khai báo một số mặt hàng thép dài không hợp kim hoặc thép dài hợp kim sang các mã số 7213.91.90 khi khai báo thủ tục hải quan để lẩn tránh thuế tự vệ, dẫn đến lượng thép cuộn nhập khẩu theo mã số 7227.90.00 giảm rõ rệt (10 tháng đầu năm 2016 lượng nhập khẩu chỉ bằng 58% so với lượng nhập khẩu cả năm 2015); trong khi đó lượng thép nhập khẩu theo mã số 7213.91.90 tăng đột biến.

Đó là sự phản hồi của các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước. Thế nhưng nhìn vào số liệu thống kê kim ngạch nhập khẩu thép của Tổng cục Hải quan thì càng khẳng định những phản ánh của Hiệp hội Thép là đúng.

Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, đối với mã HS 7227.90.00 (thép hợp kim) là mặt hàng chịu thuế tự vệ, thì kim ngạch nhập khẩu giảm rõ rệt qua các giai đoạn. 6 tháng cuối năm 2016, kim ngạch nhập khẩu giảm hơn một nửa so với cùng kỳ năm 2015, đặc biệt giai đoạn 5 tháng đầu năm 2017, kim ngạch nhập khẩu giảm xuống chỉ còn 71,2 triệu USD.

Đối với mã HS 7213.91.20 (thép cốt bê tông) là mặt hàng chịu thuế tự vệ: kim ngạch nhập khẩu giảm mạnh qua các giai đoạn: 6 tháng cuối năm 2015 trước khi bị áp dụng thuế tự vệ thì kim ngạch nhập khẩu là 27,4 triệu USD. Kể từ khi bị áp dụng thuế tự vệ, kim ngạch nhập khẩu giai đoạn 6 tháng cuối năm 2016 chỉ còn 3,4 triệu USD (giảm gần 90% so với cùng kỳ năm 2015) và đến 5 tháng đầu năm 2017 chỉ còn 2,3 triệu USD.

Đối với mã HS 7213.91.90 (thép không hợp kim, loại khác) là mặt hàng không chịu thuế tự vệ, kim ngạch nhập khẩu tăng đột biến: giai đoạn 6 tháng cuối năm 2015 kim ngạch nhập khẩu là 63,8 triệu USD. Sang giai đoạn 6 tháng cuối năm 2016 thì kim ngạch nhập khẩu tăng gấp 3 lần (253,5 triệu USD); trong 5 tháng đầu năm 2017 kim ngạch nhập khẩu là 171,8 triệu USD.

Qua đây có thể thấy, từ phản ánh của Hiệp hội thép Việt Nam, các doanh nghiệp trong nước và số liệu thống kê tại Tổng cục Hải quan khẳng định có hiện tượng doanh nghiệp nhập khẩu cố tình chuyển mã HS để lẩn tránh biện pháp thuế tự vệ và chính sách thuế nhập khẩu của Chính phủ nhằm trốn thuế và xáo trộn hoạt động sản xuất kinh doanh mặt hàng thép trong nước. Xem dịch vụ vận chuyển nội địa

Tăng cường quản lý mặt hàng thép cuộn nhập khẩu vào Việt Nam

Đứng trước tình hình đó, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Công Thương thực hiện một số nhiệm vụ để kịp thời ngăn chặn tình trạng gian lận thương mại, bảo đảm cạnh tranh công bằng và thực hiện các biện pháp phòng vệ thương mại đúng quy định, cụ thể:

Ngày 22/10/2015, tại cuộc họp về tình hình nhập lậu thép vào Việt Nam, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải chỉ đạo: Bộ Công Thương đề xuất các giải pháp về kỹ thuật, hành chính để quản lý chặt chẽ, ngăn ngừa các hành vi gian lận thương mại trong nhập khẩu phôi thép; Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì xem xét về việc công bố tiêu chuẩn thép, phôi thép nhập khẩu; Bộ Tài chính chủ trì thống nhất các tiêu chí quy định phôi thép hợp kim để áp mã HS, tính thuế nhập khẩu đảm bảo chính xác; chỉ đạo lực lượng hải quan kiểm tra, giám sát chặt sẽ việc nhập khẩu thép, phôi thép; tạm dừng thông quan để kiểm tra, xử lý theo quy định đối với các trường hợp phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật, gian lận thương mại.

Tại cuộc họp ngày 22/2/2017 xử lý kiến nghị của Hiệp hội Thép Việt Nam, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng chỉ đạo: Bộ Công Thương chủ trì nghiên cứu kỹ việc áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại đối với các sản phẩm thép cuộn nhập khẩu; Bộ Tài chính tăng cường các biện pháp quản lý trong quá trình lấy mẫu, phân tích và chứng nhận chất lượng thép cuộn nhập khẩu theo quy định; xác định đúng bản chất, thành phần thép cuộn nhập khẩu và đúng mã HS; phân luồng cũng như kiểm tra thực tế hàng hóa chặt chẽ, không để lợi dụng gian lận, lẩn tránh thuế tự.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Tổng cục Hải quan đã yêu cầu Cục Hải quan các tỉnh, thành phố tăng cường công tác kiểm tra, lấy mẫu gửi phân tích phân loại đối với một số mặt hàng thép khai báo thuộc nhóm 72.13, 72.14, 72.15, 72.27, nhằm ngăn chặn tình trạng chuyển mã số từ mã HS chịu thuế tự vệ sang mã HS không chịu thuế tự vệ.

Cùng với đó, Tổng cục Hải quan cũng có nhiều văn bản yêu cầu hải quan các tỉnh, thành phố chỉ đạo các chi cục hải quan thực hiện nghiêm túc, đúng quy định việc lấy mẫu phân tích, giám định, kiểm tra thực tế hàng hóa và chứng nhận chất lượng thép nhập khẩu.

Thực tế, trong quá trình khai báo thủ tục dịch vụ hải quan đối với các lô hàng nhập khẩu được khai báo là các loại sắt hoặc thép không hợp kim, dạng thanh và que, dạng cuộn cuốn không đều, được cán mỏng để sử dụng trong cơ khí chế tạo (như kéo dây, sản xuất bu lông, đai ốc…) cơ quan Hải quan đều thực hiện phân tích, giám định trên cơ sở tiêu chuẩn Việt Nam quy định thép cốt bê tông và thép chất lượng cao để xác định hàng NK là thép cốt bê tông hay thép sử dụng trong cơ khí chế tạo.

Trong thời gian tới, cơ quan Hải quan vẫn sẽ tiếp tục kiểm soát chặt việc nhập khẩu mặt hàng thép để chống gian lận thương mại, bảo vệ doanh nghiệp sản xuất trong nước, tạo môi trường sản xuất, kinh doanh lành mạnh, công bằng.

>>Hàng thuộc diện miễn thuế có được miễn thuế chống phá giá, thuế tự vệ?

Nguồn internet

< Trở lại