Vướng mắc kiểm tra chuyên ngành: Một mặt hàng khiến Hải quan Hải Phòng lúng túng

Những sản phẩm có chứa thành phần sữa nhưng đã qua chế biến sâu có phải thực hiện kiểm dịch động vật nữa hay không là vướng mắc khiến doanh nghiệp gặp khó khăn, cơ quan Hải quan lúng túng!

 

Sữa chế biến sâu có cần kiểm dịch nữa hay không. Ảnh minh họa

Liên quan đến vướng mắc của Hải quan Hải Phòng, phóng viên Báo Hải quan đã liện hệ với Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) để có được hướng dẫn rõ ràng nhưng chưa nhận được trả lời của Cục.

Điểm 3, Mục II Phụ lục I của Thông tư 25/2016/TT-BNNPTNT ngày 30/6/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định: “Sữa tươi, sữa chua, bơ, pho mát, sữa hộp, sữa bột, sữa bánh và các sản phẩm từ sữa” là sản phẩm thuộc diện phải kiểm dịch động vật khi nhập khẩu.

Theo Cục Hải quan Hải Phòng, căn cứ Luật Thú y và Thông tư 25 dẫn trên, sữa là sản phẩm động vật trên cạn và các loại sữa có nguồn gốc động vật là đối tượng phải kiểm dịch động vật khi thực hiện dịch vụ khai báo thủ tục hải quan.

Tại Cục Hải quan Hải Phòng thời gian qua phát sinh một số trường hợp doanh nghiệp nhập khẩu 2 loại hàng hóa chứa thành phần sữa ở 2 dạng khác nhau. Thứ nhất, sản phẩm chứa thành phần “milk- sữa bột nguyên liệu” DN đã thực hiện kiểm dịch theo quy định.

Nhưng ở trường hợp thứ hai, doanh nghiệp thực hiện nhập khẩu sản phẩm dinh dưỡng có chứa “milk protein concentrate- protein từ sữa dạng cô đặc” là các sản phẩm có chứa thành phần được chiết xuất, chế biến sâu hơn từ sữa, không còn là sản phẩm động vật chứa sữa nguyên liệu, do vậy doanh nghiệp không xuất trình được đăng ký kiểm dịch do không có chứng nhận kiểm dịch sản phẩm động vật gốc từ nước ngoài. Vì vậy, Hải quan Hải Phòng lúng túng không biết sản phẩm dinh dưỡng có chứa sữa trong trường hợp này có thuộc diện phải kiểm dịch động vật khi khai báo thủ tục hải quan hay không?

Đại diện Cục Hải quan Hải Phòng cho biết, trước vướng mắc phát sinh nêu trên đơn vị đã chủ động tham khảo văn bản hướng dẫn của Tổng cục Hải quan (công văn 1239/GSQL-GQ1 ngày 21/6/2017) trên cơ sở một số văn bản hướng dẫn của Cục Thú y (các công văn: 1002/TY-KD ngày 29/5/2017, 2568/TY-KD ngày 23/12/2016, 2642/TY-KD ngày 30/12/2016) “sữa tươi, sữa chua, bơ, pho mát, sữa hộp, sữa bột, sữa bánh và các sản phẩm từ sữa” là sản phẩm thuộc diện phải kiểm dịch động vật, trong khi sản phẩm bánh kẹo có chứa sữa, bánh kẹo chứa các loại sản phẩm động vật khác không thuộc đối tượng phải kiểm dịch động vật. Tuy nhiên, Cục Hải quan Hải Phòng vẫn chưa thể xác định những sản phẩm do DN nhập khẩu như đề cập ở trên có thuộc đối tượng không phải kiểm dịch động vật như trong các văn bản vừa dẫn hay không.

Do đó, Hải quan Hải Phòng đề nghị cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn rõ để đơn vị thực hiện. Đồng thời, theo quan điểm của Cục, những sản phẩm chứa thành phẩm sữa nhưng hàm lượng tỉ lệ rất thấp hoặc đã qua chế biến sâu không thuộc đối tượng phải kiểm dịch động vật. Đồng thời cần có hướng dẫn thống nhất từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Đáng chú ý, theo Cục Hải quan Hải Phòng, hiện nay Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chưa ban hành bảng mã số HS và danh mục động vật, sản phẩm động vật trên cạn thuộc diện phải kiểm dịch nên cơ quan Hải quan gặp khó khăn khi xác định mặt hàng phải kiểm dịch theo mã HS.

Kiểm tra nhiều phát hiện ít

Trao đổi thêm với phóng viên Báo Hải quan về kết quả thực hiện kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa dịch vụ xuất nhập khẩu trên địa bàn, lãnh đạo Cục Hải quan Hải Phòng cho biết, tỉ lệ phát hiện vi phạm liên quan đến hàng hóa kiểm tra chuyên ngành tại Cục rất thấp. Đáng chú ý, các vi phạm chủ yếu liên quan đến chậm nộp kết quả kiểm tra, chỉ một số ít trường hợp có vi phạm liên quan đến việc không bảo quản nguyên trạng hàng hóa trước khi thông quan hàng hóa (khi được phép mang hàng về bảo quản chờ thông quan).

Lãnh đạo Cục Hải quan Hải Phòng dẫn con số cụ thể, thống kê mới nhất của đơn vị cho thấy, 6 tháng đầu năm 2017, toàn Cục làm thủ tục cho 64.205 tờ khai thuộc diện kiểm tra chuyên ngành (chiếm 9,44% tổng lượng tờ khai toàn Cục), tuy nhiên, tỉ lệ phát hiện vi phạm chỉ là 138 tờ khai (tương đương 0,2%).

Cục Hải quan Hải Phòng cho rằng, quy định quản lý đối với hàng hóa dịch vụ xuất nhập khẩu thuộc diện quản lý chuyên ngành còn tương đối phức tạp, ảnh hưởng đến thời gian thông quan hàng hóa. Mặt khác, vẫn còn tình trạng một mặt hàng chịu sự quản lý của nhiều bộ, ngành khiến doanh nghiệp mất thời gian, chi phí thực hiện…

Hiện nay, để tạo thuận lợi cho công tác quản lý, Cục Hải quan Hải Phòng đã ký quy chế phối hợp với 4 cơ quan quản lý chuyên ngành có lượng hàng hóa thuộc diện quản lý chuyên ngành lớn ở địa bàn gồm: Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng I; Viện Kiểm nghiệm vệ sinh an toàn thực phẩm quốc gia; Cơ quan Thú y vùng 2; Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng I.

>>Đối với một mặt hàng, kiểm tra chuyên ngành không được chồng chéo

>>Dịch vụ vận chuyển nội địa

Nguồn internet

< Trở lại